EU và bài học từ cuộc khủng hoảng khí đốt Nga – Ukraine

EU và bài học từ cuộc khủng hoảng khí đốt Nga – Ukraine

Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải giật mình xem xét lại chính sách năng lượng của mình. Đứng trước khả năng nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn châu Âu bị đình lại, các quan chức EU chợt nhận ra những lỗ hổng trong chính sách năng lượng của khối này.

EU và bài học từ cuộc khủng hoảng khí đốt Nga – Ukraine ảnh 1

Bài học lớn nhất từ cuộc khủng hoảng khí đốt vừa qua đối với EU là khối này đã quá phụ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài, không phát triển một chính sách năng lượng chung cho cả khối dẫn đến bị động khi khủng hoảng xảy ra. 25 thành viên EU nhập khẩu tổng cộng khoảng 25% khí đốt từ Nga qua đường ống quá cảnh Ukraine.

Dự đoán đến năm 2020 nguồn cung cấp năng lượng nước ngoài chiếm đến 70% năng lượng sử dụng ở EU. Trong cuộc khủng hoảng khí đốt vừa qua, nhiều thành viên EU có khả năng xuất kho dự trữ năng lượng của mình cho cả khối, nhưng không giống như Mỹ có thể dễ dàng vận chuyển khí đốt qua lại giữa các bang, quá nhiều luật lệ ở mỗi nước EU đã làm cản trở sự hợp tác. Trong khi đó Brussels lại không có quyền hạn gì trong việc đưa ra những quyết định can thiệp vào các cuộc khủng hoảng năng lượng khẩn cấp.

Martin Bartenstein, Bộ trưởng Kinh tế Áo (nước vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU) đã tuyên bố: “Phụ thuộc nguồn cung cấp năng lượng từ Nga cần phải giảm và an ninh năng lượng sẽ là vấn đề hàng đầu tại một cuộc họp thượng đỉnh EU vào tháng 3 này”.

Nhưng EU sẽ giảm sự phụ thuộc nguồn cung cấp năng lượng từ Nga bằng cách nào? Tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng từ những nơi khác như Algeria, Libya và Nigeria; đa dạng mạng lưới đường ống dẫn khí đến khu vực như từ Trung Đông và Trung Á qua Thổ Nhĩ Kỳ và Áo; đầu tư và sản xuất thêm nhiều nguồn năng lượng thay thế…

Những giải pháp đưa ra nghe có vẻ rất hay, nhưng, Jonathan Stern - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí đốt tại Đại học Oxford – đã đưa ra nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng khí đốt vừa qua sẽ là một cú thúc cải tổ tận gốc chính sách năng lượng của châu Âu.

Bởi sẽ mất nhiều năm mới có thể đạt được những thỏa thuận về xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng và quan trọng hơn là 25 thành viên EU là 25 tiếng nói riêng biệt mà những khác biệt giữa các thành viên này đã được thể hiện qua nhiều sự kiện như cuộc khủng hoảng về Hiến pháp châu Âu hồi năm rồi.

(Theo International Herald Tribune)
ĐỨC ANH 

Tin cùng chuyên mục