FED tăng lãi suất, tác động lan truyền

Nhiều đồng tiền chịu áp lực
FED tăng lãi suất, tác động lan truyền

Theo quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 16-12, lãi suất cơ bản sẽ được tăng từ 0% - 0,25% lên 0,25% - 0,5%. Nhiều chuyên gia nhận định, không những việc FED tăng lãi suất không phải là một tín hiệu tốt đối với các quốc gia mới nổi, mà động thái này của FED có khả năng tạo nhiều xu hướng mới trong thị trường ngoại hối trong năm 2016.

Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi chịu nhiều áp lực sau quyết định của FED

Nhiều đồng tiền chịu áp lực

Theo China Daily ngày 18-12, chính sách tiền tệ của Trung Quốc và giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) có khả năng đối mặt với những bất ổn lớn sau quyết định của FED. Đồng NDT có thể giảm sâu hơn nữa và gây ra hiện tượng thoái vốn ra khỏi thị trường nước này. Quyết định của FED có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn kinh tế giảm tốc và giữ NDT ổn định. Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, không riêng Trung Quốc, những nền kinh tế mới nổi sẽ đối mặt với nguy cơ “chảy máu” vốn bởi những nước này có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất trong nước vốn đã ở mức rất cao.

Ngày 17-12, tức chỉ một ngày sau khi FED quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản, đồng dollar Canada (CAD) liên tục đâm thủng đáy khi chỉ còn được giao dịch ở mức dưới 72 cent đổi một USD, thấp nhất kể từ đầu năm 2004. Tính từ đầu năm đến nay, đồng CAD đã trượt tới 17% giá trị so với năm trước, mức sụt giảm lớn thứ hai trong lịch sử Canada. Các nhà phân tích cho biết sở dĩ CAD liên tục giảm giá là vì chịu áp lực từ xu hướng ngược chiều trong chính sách tỷ giá của Mỹ và Canada. FED tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2006, trong khi Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) chưa có dấu hiệu sẽ điều chỉnh tăng theo. Một số người dự đoán CAD có thể sẽ còn tiếp tục giảm xuống dưới 70 cent “ăn” một USD. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do USD tăng giá chứ không phải do CAD mất giá, vì ngoài đồng bạc xanh của Mỹ, CAD hầu như vẫn giữ được giá trị khi quy đổi với các đồng tiền khác.

Cũng một ngày sau quyết định của FED, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, tăng từ 3% lên 3,25%. Banxico nhấn mạnh, để phù hợp với tình hình mới sau khi FED nâng lãi suất cơ bản, Banxico quyết định tăng với số phần trăm tương tự và cho rằng nếu không tăng, đồng peso nội tệ có thể hứng chịu sức ép giảm giá cao hơn hiện nay và mục tiêu lạm phát 3% đề ra cho cả năm nay và 2016 có thể bị điều chỉnh, điều mà Banxico không mong muốn. Phản ứng trước quyết định trên, giới doanh nhân Mexico coi biện pháp của Banxico là hợp lý và không có tính bất ngờ.

Xu hướng “bán EUR, mua USD” lên ngôi

Trong khi đó, giới phân tích và chuyên gia kinh tế tiếp tục dự báo “bán EUR, mua USD” sẽ là giao dịch phổ biến nhất trên thị trường ngoại hối thế giới trong năm 2016. Tờ Financial Times dẫn nhận định của các chuyên gia cho hay không quá khó để dự báo về xu hướng giao dịch nói trên. Số liệu của Ủy ban giao dịch kỳ hạn hàng hóa (CFTC) cũng cho thấy các quỹ đầu tư vẫn kiên định với việc bán đồng tiền chung châu Âu, từ trước khi FED quyết định tăng lãi suất vài tuần. Giá EUR đang trong chiều hướng đi xuống và các phân tích kỹ thuật cũng cho thấy đồng tiền chung châu Âu này có thể tiếp tục rớt giá trong năm tới. Thậm chí, nó còn có thể giảm sâu dưới mức 1 EUR đổi 1 USD trước khi bước sang năm 2016, sớm hơn so với dự báo ban đầu là quý 1-2016. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 3-12 đã quyết định kéo dài chương trình nới lỏng định lượng cho tới tháng 3-2017 hoặc xa hơn nữa, không chỉ để thúc đẩy lạm phát tăng lên mà còn nhằm đưa lạm phát trở lại mức xấp xỉ 2% “càng sớm càng tốt”.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục