Chứng khoán Việt Nam ngược dòng bất thành
Bất chấp sự chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 19-12, FED đã nâng tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào cuối năm 2018 thêm 0,25%, lên 2,25% - 2,5%/năm; đồng thời dự kiến tăng 2 lần lãi suất trong năm 2019 thay vì 3 lần như đưa ra hồi tháng 9. Động thái này ngay lập tức không chỉ khiến cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ bị bán tháo mà thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu cũng giảm mạnh. Cụ thể, sau khi tuyên bố của FED, TTCK Mỹ đã bị xóa sạch đà tăng trước đó và quay đầu giảm mạnh xuống mức đáy mới trong năm 2018 với chỉ số Dow Jones giảm 1,5% xuống 23,323 điểm và S&P 500 cũng giảm 1,5% xuống 2,506 điểm. TTCK châu Á trong ngày 20-12 cũng phản ứng tiêu cực với thông tin này nên hầu hết các thị trường đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm hơn 1% xuống còn khoảng 25.574 điểm. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng đã giảm mạnh 3% trong phiên giao dịch buổi sáng và chỉ số Topix cũng giảm gần 1%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,41%...
Trong khi TTCK toàn cầu “đỏ lửa” thì TTCK Việt Nam đã lội ngược dòng thế giới với VN-Index tăng điểm khi mở cửa trong phiên ngày 20-12. Trong phiên, có nhiều thời điểm thị trường hồi phục khá tốt nhưng do áp lực đến từ một số cổ phiếu trụ giảm điểm, trong đó có VNM giảm đến 2,2% nên VN-Index đã không giữ được sắc xanh khi chốt phiên. Thêm một điểm tích cực cho thị trường Việt Nam là khối ngoại đã quay lại mua ròng 280 tỷ đồng trên toàn thị trường giúp VN-Index chỉ giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1 điểm (0,11%) xuống còn 918,24 điểm. Ngược lại, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index đã tăng 0,36 điểm (0,35%) lên 104,53 điểm.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), FED quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 này thị trường đã dự báo được từ trước nên đã được phản ánh trong giá trước đó. Việc TTCK Việt Nam giảm sâu trong những ngày gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mạnh dạn “bắt đáy” trong phiên giao dịch này khiến thị trường chỉ giảm nhẹ. Phân tích thêm về động thái này của FED, chuyên gia BVSC cho rằng, điều nhà đầu tư quan tâm là những thông điệp FED đưa ra sau cuộc họp lần này. Cụ thể, mức dự báo về lãi suất của FED vào cuối năm 2019 và 2020 lần lượt là 2,9% và 3,1% - thấp hơn so với mức 3,1% và 3,4% trong dự báo của FED hồi tháng 9-2018. Đồng thời, mức lãi suất trung tính cũng được FED dự kiến ở mức 2,8% thay cho mức 3% trước đây. Điều này hàm ý mức lãi suất vào cuối chu kỳ tăng của FED có thể còn vượt mức lãi suất trung tính. Những ước tính của FED về các mức lãi suất mới trong thời gian tới có phần kém “nới lỏng” hơn so với bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell hồi cuối tháng 11-2018 nên đây có thể là lý do khiến nhà đầu tư có phần thất vọng nên đẩy chỉ số Dow Jones mất 1,5% giá trị trong phiên giao dịch đêm ngày 19-12-2018; đồng thời tác động đến cả TTCK châu Á nhưng chỉ là hệ quả do tác động tâm lý nhất định. Tình hình sẽ nhanh chóng trở lại ổn định.
Áp lực lên lãi suất
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho rằng, quyết định tăng lãi suất của FED đúng như kỳ vọng rộng rãi của thị trường cũng như các tín hiệu rất rõ ràng từ các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan lập chính sách của FED, nên không tác động đột biến đến thị trường tài chính tiền tệ trong nước.
Theo ông Khoa, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những biện pháp điều hành chính sách linh hoạt thông qua các công cụ và sản phẩm trên cả kênh tỷ giá và lãi suất để ổn định thị trường. Tuy nhiên, về triển vọng trung dài hạn, với việc FED dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, áp lực lên mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất USD sẽ tiếp tục tồn tại, và điều này cũng sẽ tạo áp lực về tăng lãi suất đối với Việt Nam trong bối cảnh NHNN cố gắng duy trì mức chênh lệch lãi suất USD - VND ở mức hợp lý nhằm tránh tạo áp lực lên tỷ giá. “Nhìn chung trong năm 2019, USD được dự báo sẽ tiếp tục mạnh hơn đồng nghĩa với tỷ giá USD/VND trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng giá. Áp lực này cũng đồng thời gián tiếp đến từ biến động của nhân dân tệ trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế tiếp tục biến động khó lường. Với chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành linh hoạt, các biện pháp điều hành trên thị trường cần dung hòa được các yếu tố tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô”- ông Khoa cho hay.
Chuyên gia phân tích BVSC cho rằng, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018. Việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được NHNN thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, dự báo năm 2019, FED sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018. Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng VND được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Tỷ giá trung tâm VND/USD được NHNN công bố trong ngày 20-12 giữ nguyên so với hôm trước, ở mức 22.785 đồng/USD. Tương tự, Sở Giao dịch NHNN cũng niêm yết giá bán ra USD ở mức 23.419 đồng/USD, giữ nguyên so với hôm qua, song giá mua vào vẫn duy trì là 22.700 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh 10 - 30 đồng/USD so với hôm trước. Cụ thể, Vietcombank giảm 30 đồng/USD xuống còn 23.235 đồng/USD mua vào và 23.325 đồng/USD bán ra. ACB giảm 20 đồng/USD xuống còn 23.240 đồng/USD mua vào và 23.320 đồng/USD bán ra. Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm nhẹ ở chiều bán ra 5 đồng/USD còn 23.360 đồng/USD và giá mua đứng ở mức 23.350 đồng/USD. |