Gần 50.000 người tham gia Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TPHCM

Sau 20 năm, Hệ thống Đối thoại tổ chức 227 hội nghị đối thoại trực tiếp, liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, thu hút 35.120 lượt doanh nghiệp với 49.325 lượt người tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 19.000 câu hỏi do các doanh nghiệp đặt ra, bình quân mỗi năm giải đáp hơn 2.000 câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực.


 Ngày 18-11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức Hội nghị tổng kết Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TPHCM với chủ đề: “20 năm một chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động và định hướng giai đoạn 2022-2025.

Tham dự chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, lãnh đạo các sở ban ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước. 

Gần 50.000 người tham gia Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TPHCM ảnh 1 Quang cảnh hội nghị
Báo cáo kết quả tại hội nghị, Phó Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ cho biết, từ thời điểm bắt đầu hoạt động năm 2002 với 11 cơ quan Nhà nước tham gia trả lời với 300 doanh nghiệp và hiệp hội đăng ký tham gia trong năm đầu tiên.

Cho đến nay, hệ thống đã có 42 cơ quan Nhà nước tham gia và đang được thành phố bổ sung thêm nhiều cơ quan chức năng của thành phố để tham gia giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. “Sự tin tưởng và gắn bó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên địa bàn thành phố đối với hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố đã được duy trì trong suốt 20 năm qua”, ông Trần Phú Lữ trao đổi.

Gần 50.000 người tham gia Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TPHCM ảnh 2 Lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bấm nút khởi động Hệ thống đối thoại phiên bản nâng cấp toàn diện

Tính đến tháng 10-2022, hệ thống hiện đã có 4.708 doanh nghiệp, hiệp hội đăng ký tham gia với hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã nhận và trả lời hơn 20.550 câu hỏi qua mạng. Đồng thời, bình quân mỗi năm có ít nhất 12 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được tổ chức, bình quân mỗi hội nghị thu hút từ 250 đến 300 doanh nghiệp tham gia.

Đến nay đã  tổ chức 227 hội nghị đối thoại trực tiếp, liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, đầu tư, thương mại, ngân hàng, lao động, bảo hiểm xã hội, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên và môi trường,  xây dựng, nông nghiệp… thu hút 35.120 lượt doanh nghiệp với 49.325 lượt người tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 19.000 câu hỏi do các doanh nghiệp đặt ra, bình quân mỗi năm giải đáp hơn 2.000 câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Một trong nhiều cách thức góp phần xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp một cách hiệu quả, chính là việc tăng cường tham vấn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong các kênh đối thoại của thành phố được doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên địa bàn TPHCM tin cậy, giai đoạn 2022-2025, ITPC tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tổ chức hoạt động đối thoại trực tiếp ít nhất 12 lần/năm, phấn đấu mỗi năm có từ 2 – 3 hoạt động đối thoại chuyên đề mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hệ thống đối thoại đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, phấn đấu hàng năm số lượng doanh nghiệp đăng ký làm thành viên của hệ thống đối thoại tăng từ 12 – 15%/năm. Phấn đấu tỷ lệ giải quyết trả lời câu hỏi, kiến nghị, hiến kế, đề xuất của doanh nghiệp đúng thời hạn quy định từ 95% trở lên và mức độ.

Tổ chức triển khai đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo các sở, ngành và quận – huyện với cộng đồng doanh nghiệp định kỳ hàng tháng theo các nhóm vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, mong muốn được trao đổi, trả lời trực tiếp trên nền tảng trực tuyến của hệ thống đối thoại; đồng thởi đẩy mạnh liên kết với các cơ quan truyền thông báo, đài để cùng hỗ trợ phát sóng các buổi đối thoại trực tuyến trên website của các đơn vị nhằm tạo sự lan tỏa đến tất cả doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá, dù hệ thống đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng sắp tới cần cải tiến để lớn hơn, mạnh hơn, tiếp tục phát triển, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, kinh tế liên tục phát triển nên hệ thống đối thoại cũng phải làm mới hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, quán triệt từ lãnh đạo đến cán bộ công chức phải nằm lòng khi thực thi nhiệm vụ, xem doanh nghiệp là chủ thể để phục vụ.

"Doanh nghiệp bức xúc nói, phải nghe. Doanh nghiệp lên tiếng, phải hành động bởi giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nên doanh nghiệp nửa đêm bức xúc, cũng phải làm", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thành phố cũng đề nghị, qua hệ thống đối thoại, không chỉ giải quyết pháp lý mà giải quyết thực tiễn. Thực tế doanh nghiệp đặt ra cần giải quyết thế nào, cần tìm cách để giải quyết thấu tình đạt lý. Phải hành động, trả lời nhanh để tạo ra sự yên tâm, yên lòng của doanh nghiệp. Đối thoại phải kết hợp với hành động!

Tin cùng chuyên mục