Những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có số DN phải rời bỏ thị trường nhiều nhất lần lượt là DN buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 4.220 DN; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.325 DN và xây dựng có 1.006 DN. Còn lại rải rác trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, kinh doanh bất động sản…
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự sụt giảm trong cả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, DN Việt Nam vào thị trường nước ngoài. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét riêng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì có mức tăng trưởng dương, đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay, có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước.