Gắn kết người nước ngoài với nơi sinh sống

TPHCM có đông người nước ngoài đến sinh sống và làm việc, các tổ chức Đảng ở TPHCM đã nỗ lực để kết nối họ với các hoạt động chung của địa phương. Nhờ đó, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được chuyển tải đến người nước ngoài một cách nhanh chóng nhất.
Các vận động viên bóng bàn của Hàn Quốc sang Việt Nam giao lưu với các câu lạc bộ bóng bàn tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM
Các vận động viên bóng bàn của Hàn Quốc sang Việt Nam giao lưu với các câu lạc bộ bóng bàn tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM

Kết nối chặt chẽ

 Cuộc vận động quyên góp Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” diễn ra cuối tháng 5-2022 của khu phố 4, phường Bến Nghé (quận 1) thu hút hơn 20 người nước ngoài quyên góp tại chỗ và hàng chục người nước ngoài quyên góp sau đó. Ông Hoàng Văn Cẩn, Trưởng Ban điều hành khu phố 4, cho biết, khu phố có hơn 700 người nước ngoài, chủ yếu là người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ sinh sống và làm việc.

Thời gian qua, sự gắn kết giữa khu phố với người nước ngoài rất chặt chẽ, các hoạt động ở địa phương đều nhận được sự tham gia tích cực của người nước ngoài. “Các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán, khi khu phố tổ chức các hoạt động cộng đồng, người nước ngoài tham gia rất đông. Đây là dịp để chúng tôi tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như truyền thống văn hóa của người Việt đến với cộng đồng người nước ngoài”, ông Hoàng Văn Cẩn thông tin.

Tương tự, các đợt hiến máu tình nguyện do khu phố 1, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) tổ chức luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của người nước ngoài. Đại diện cấp ủy Đảng bộ bộ phận khu phố 1 cho biết, trên địa bàn có hơn 2.500 người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc, chiếm 36% dân số của khu phố. Đảng bộ bộ phận khu phố 1 luôn chú trọng các giải pháp kết nối, vận động người nước ngoài tham gia các hoạt động chung.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, sự quan tâm, chăm lo của địa phương và người Việt Nam dành cho người nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh đã tạo mối quan hệ khăng khít. Nhờ đó mà gần đây, các hoạt động của địa phương thu hút sự tham gia nhiệt tình của người nước ngoài. Địa phương cũng thuận lợi hơn trong công tác nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với họ.

Với thế mạnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phường Tân Phong (quận 7) đã thu hút được rất đông người nước ngoài tham gia. Ông Yang Dea Sung (quốc tịch Hàn Quốc) cho biết, năm nào ông và gia đình cũng tham gia chương trình đi bộ từ thiện, các chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn do địa phương tổ chức. “Ở đây, tôi cảm nhận được sự thân thiện và luôn thấy hình ảnh của quê hương mình”, ông Yang Dea Sung bày tỏ.

Tăng tình đoàn kết, hữu nghị

Phường Tân Phong (quận 7) là địa bàn có đông người nước ngoài sinh sống. Theo Bí thư Đảng ủy phường Tân Phong Phan Minh Hoàng, phường có 6 khu phố, trong đó có 3 khu phố nằm ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng với hơn 8.503 người nước ngoài sinh sống, thuộc 72 quốc tịch khác nhau.

Những năm qua, Đảng ủy phường Tân Phong đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy chi bộ trực thuộc, UBND phường cùng MTTQ và các đoàn thể phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nước ngoài tham gia các hoạt động tại địa phương. Qua đó xây dựng các hoạt động phong trào văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao để tuyên truyền, vận động người nước ngoài tham gia giao lưu.

“Câu lạc bộ bóng bàn của phường đã được mời sang Hàn Quốc tham gia thi đấu giao lưu. Ngược lại, vận động viên Hàn Quốc cũng đã sang Việt Nam thăm, thi đấu giao lưu bóng bàn với các câu lạc bộ bóng bàn trên địa bàn phường. Hàng năm, chúng tôi còn tổ chức hoạt động chào cờ nhân dịp Quốc khánh 2-9; tổ chức chương trình đi bộ từ thiện, thu hút rất đông người nước ngoài tham gia. Nổi bật là chương trình “Giao lưu văn hóa Việt - Hàn”, mỗi năm hơn 1.000 người nước ngoài tham gia. Đây là những hoạt động thiết thực, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương với người nước ngoài”, đồng chí Phan Minh Hoàng thông tin.

Bằng sự nỗ lực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các chương trình giao lưu và trong các nhóm trên mạng xã hội, nhiều người nước ngoài sinh sống ở phường Bến Nghé (quận 1) hiểu được những việc làm nào không đúng quy định.

Theo ông Phạm Tấn Kính, Phó Bí thư Đảng ủy phường Bến Nghé, cấp ủy các chi bộ khu phố ở phường tập trung kết nối với người nước ngoài thông qua các nhóm chung trên mạng xã hội và các hoạt động chia sẻ. Đặc thù của người nước ngoài sinh sống ở phường thường tập trung theo quốc tịch. Vì vậy, các khu phố cũng có những giải pháp riêng, như thường xuyên tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa đặc trưng của quốc gia có nhiều người sinh sống để tạo sự gần gũi với người nước ngoài. Chẳng hạn thời điểm Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần, các chi bộ khu phố đã chủ động quyên góp, hỗ trợ. Tình cảm “tương thân tương ái” của người Việt đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Nhật, tạo ấn tượng rất tốt đẹp với người Nhật Bản sinh sống trên địa bàn.

Một điểm chung là MTTQ các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, chức việc của tổ chức tôn giáo trên địa bàn có người nước ngoài tham gia sinh hoạt; kết nối với ban quản lý, ban quản trị các chung cư có người nước ngoài sinh sống... Đây cũng là đầu mối quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người nước ngoài.

Dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng rất lớn cho TPHCM và cả nước, song lại là dịp để các địa phương gắn kết hơn với người nước ngoài. Nổi bật là chủ trương tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, không phân biệt quốc tịch; các hoạt động chăm lo an sinh xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều địa phương như quận 7, TP Thủ Đức còn có hoạt động chăm lo riêng cho người nước ngoài gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

Tin cùng chuyên mục