Gấp rút sản xuất máy thở cho bệnh nhân mắc Covid-19

Đến nay, Tập đoàn Vingroup đã sản xuất được mẫu máy thở đầu tiên, đã chuyển đến Bộ Y tế để kiểm định và thử nghiệm. Song song đó, phía Bkav cho hay đang sản xuất thử nghiệm máy thở và vào giữa tháng 5 tới, Bkav sẽ sản xuất xong mẫu máy đầu tiên để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt…
Các kỹ sư của Bkav nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập PB560
Các kỹ sư của Bkav nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập PB560

“Ra lò” máy thở đầu tiên

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tập đoàn Vingroup đã sản xuất được mẫu máy thở đầu tiên và đang chờ Bộ Y tế kiểm định, thử nghiệm. Hiện bộ đang phối hợp kiểm định mẫu máy thở để có thể ra quyết định cấp phép sản xuất đại trà và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Đại diện truyền thông của Vingroup cho biết, Vingroup đang tích cực đẩy nhanh sản xuất mẫu máy thứ 2; dự kiến tuần tới sẽ có mẫu để gửi đến Bộ Y tế kiểm định. Vingroup đã chứng tỏ sự nghiêm túc và dồn sức hiệu quả trong việc huy động, quản trị, tổ chức nguồn lực tập trung để sản xuất máy thở. 

Trước đó, ngày 3-4, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Tập đoàn Vingroup quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập), máy đo thân nhiệt, nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Lãnh đạo Vingroup đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả viện nghiên cứu của tập đoàn dừng hết những việc hàng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. 

Chỉ sau một ngày đêm, các đơn vị đã tìm được rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ thiết kế và các thông tin cần thiết để có thể bắt đầu triển khai. Ngay sau đó Vingroup đã ký kết hợp đồng license (dạng đặc thù của hợp đồng chuyển giao công nghệ) với hãng Medtronic (Mỹ) để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Bkav sản xuất thử nghiệm

Chung sức phòng chống Covid-19, đặc biệt là tham gia sản xuất máy thở để chữa trị cho người nhiễm Covid-19 còn có Tập đoàn Bkav. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết, ngày 11-4, Bkav đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập giúp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. 

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, không ai có thể đứng yên. Ngay từ khi có tin GS Trần Văn Thọ và GS Trần Ngọc Phúc ở Nhật Bản muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam, Bkav đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này. Tuy nhiên, sau khi được biết công ty thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic (Mỹ) đã mở thiết kế máy thở xâm nhập PB560 cho các nhà sản xuất khác để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch, Bkav quyết định tham gia sản xuất theo thiết kế của Medtronic. 

Máy thở PB560 là loại máy gọn, nhẹ có chức năng cung cấp ôxy và mô phỏng các hành động của hơi thở. Đây là thiết bị sống còn giúp các bác sĩ và bệnh nhân nặng chống chọi với bệnh Covid-19. Khoảng 10% bệnh nhân mắc Covid-19 phải dùng đến máy thở, do đó thế giới đang thiếu nghiêm trọng các thiết bị này. Qua đàm phán, Medtronic đã đồng ý và gửi thiết kế chi tiết, cùng hồ sơ đi kèm cho Bkav tiến hành sản xuất.  

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, vào giữa tháng 5 tới, Bkav sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên, để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9.000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống của Bkav đã sẵn sàng cho việc sản xuất máy thở. 

Với sự nhanh nhạy và quyết tâm của Vingroup và Bkav, kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, những chiếc máy thở không xâm nhập, máy thở xâm nhập sẽ sớm được hoàn thiện, được Bộ Y Tế, Bộ KH-CN thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Dự phòng cho khả năng dịch bệnh bùng phát, các nhà sản xuất nội địa khác dựa trên kinh nghiệm của 2 đơn vị trên sẽ cùng chung sức sản xuất máy thở, góp phần đáp ứng nhu cầu điều trị cho người mắc Covid-19 trong lẫn ngoài nước.

“Vingroup có một lợi thế là có công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí lẫn chi tiết khó và hiếm hàng tại thời điểm này, như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có những kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của nhà sản xuất. Dự kiến, với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart, chúng tôi có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục