
Báo SGGP ngày 15-6-2013 có bài “Vi phạm an toàn lưới điện - Hiểm họa lửng lơ” phản ánh trên địa bàn TPHCM có nhiều công trình xây dựng bên dưới đường dây cao thế và nhiều trụ điện cao thế bị chiếm dụng cất nhà, làm quán rất nguy hiểm. Sau khi báo đăng, việc này đã được giải quyết như thế nào? Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với ông Bùi Hải Thành, Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế.
* Phóng viên: Thưa ông, Công ty Lưới điện cao thế đã làm gì để ngăn chặn tình trạng vi phạm lưới điện cao thế?
* Ông BÙI HẢI THÀNH: Trong 6 tháng đầu năm 2013, trên lưới điện truyền tải do Công ty Lưới điện cao thế (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM) quản lý đã xảy ra 15 vụ sự cố đường dây. Trong đó, có 11 sự cố do xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế. Công ty đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn việc xâm hại lưới điện cao thế, ngăn ngừa tai nạn điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục. Cụ thể là gửi văn bản đến các quận, huyện, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà cao tầng để nhờ ngăn ngừa các trường hợp bắn pháo hoa, pháo giấy, ngăn chặn việc thả diều, câu cá… gần đường dây cao thế. Đối với các công trình xây dựng gần hành lang lưới điện cao thế, công ty kiểm tra 3 lần/tuần, kịp thời nhắc nhở, yêu cầu chủ công trình che chắn để tránh va vào đường dây, trạm điện. Ngoài ra, công ty chủ động lắp đặt camera giám sát các công trường, công trình thi công xây dựng gần hành lang an toàn lưới điện, như công trình thi công xây dựng cầu Sài Gòn 2, công trình thi công xây dựng vòng xoay Tân Thới Hiệp (quận 12)...; lập danh sách các hộ dân chiếm dụng công trình lưới điện cao thế để nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý; làm rào chắn bằng lưới bao quanh chân trụ, không để người dân chiếm dụng gây mất an toàn như đã thực hiện thí điểm tại trụ tháp sắt đường dây 110kV Thủ Đức - Hỏa Xa…

Dù có biển cấm buôn bán, tụ tập gần trụ điện cao nhưng nhiều người vẫn chiếm dụng nơi đây để buôn bán, ăn uống. Ảnh: THANH HẢI
* Vì sao hiện nay vẫn còn nhiều nhà, công trình được xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao thế?
* Nghị định 54/1999/NĐ-CP ra đời đã thay thế Nghị định 70/HĐBT, cho phép nhà cửa công trình được tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao thế - tất nhiên, chỉ cho phép xây dựng công trình dưới đường dây cao thế tuân thủ yêu cầu về khoảng cách, điều kiện an toàn. Tuy nhiên, với quy định này đã dẫn đến việc hàng chục ngàn nhà, công trình xây dựng, tồn tại trong khu vực hành lang lưới điện cao thế. Trong quá trình xây dựng, các chủ công trình thường lách quy định để xây dựng cơi nới gây mất an toàn lưới điện cao thế. Trong khi đó, quy định về chế tài, xử phạt còn bất cập, chưa đủ sức răn đe nên nhiều công trình vẫn tồn tại tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lưới điện cao thế.
* Có cách nào giải quyết những vướng mắc này, thưa ông?
* Chúng tôi đã có kiến nghị TP tăng cường tuyên truyền cho các tổ chức xã hội và người dân trên địa bàn về đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao thế; thông tin cảnh báo mức độ nguy hiểm khi xâm phạm hành lang lưới điện cao thế cho các tài xế xe chuyên dụng trên đài “VOV giao thông” khi di chuyển gần hành lang an toàn lưới điện cao thế. Mặt khác, kiến nghị TP sớm xây dựng quy định chung về cao độ của nhà, công trình nằm dưới hành lang lưới điện cao thế. Điều cần thiết là phải có chế tài đủ sức răn đe đối với các chủ công trình không thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn trong thi công gây ra sự cố lưới điện cao thế. Có như vậy mới đẩy lùi tình trạng lưới điện cao thế bị xâm hại, ngăn ngừa tai nạn điện cho người dân và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục.
THƯ LÊ thực hiện