
Tại TPHCM, ngày 29-12, giá hầu hết các loại đường tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu đều đứng ở mức cao: đường Biên Hòa 11.700 đồng/kg; đường Mỹ Tho 12.000 đồng/kg; đường Long An 11.500 đồng/kg; đường Quảng Ngãi, Bình Định 10.700 đồng/kg… cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4.000 - 6.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong 10 năm qua.
Ngày 29-12, lượng đường nhập chợ Trần Chánh Chiếu tăng thêm 30 tấn so với ngày 28-12 nhưng so với năm ngoái, thiếu khoảng 50%. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường để sản xuất các loại thực phẩm, bánh, mứt Tết tại TPHCM và các vùng phụ cận đang bước vào mùa cao điểm.

Trong ảnh là một sạp bán đường trên đường Xóm Vôi ở quận 5, tuy nhiên, chẳng có sạp nào ghi bảng giá. Giá đường tăng liên tục, làm bảng giá cũng bằng thừa!. Ảnh: CAO THĂNG
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít công ty thực phẩm tại quận 5 và một số tiểu thương tại các chợ Trần Chánh Chiếu, chợ Tân Định, chợ Gò Vấp… do sợ giá đường tăng nữa nên “ghim” hàng hoặc bán ra nhỏ giọt dù đường trong kho còn nhiều. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất bánh mứt có thể ngưng hoạt động nếu đường cứ tiếp tục tăng giá và hút hàng. Các tiểu thương kinh doanh ăn uống cũng rất khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, bán chè ở chợ Vườn Chuối quận 3, cho biết: “Giá đường lên gần gấp đôi nhưng tui chưa dám tăng giá chè. Nhưng nếu không tăng giá, chỉ có chết…”.
Sáng 29-12, tại chợ Bình Tây, giá hầu hết các loại thực phẩm sản xuất trong nước có sử dụng đường làm nguyên liệu chính cũng đã tăng giá, nhất là các loại bánh mứt. Cụ thể: mứt me từ 26.000 đồng tăng lên 28.000 đồng/kg; hạt sen 37.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg… trong khi giá các loại bánh mứt nhập từ Trung Quốc, Aán Độ… vẫn đứng giá.
Theo nhận định của anh Nguyễn Chí Trung, Phó Ban Quản lý chợ Trần Chánh Chiếu, rất có khả năng giá đường sẽ còn tiếp tục tăng cao do nhu cầu sử dụng đường thời gian tới còn tiếp tục tăng mạnh.
ĐBSCL: Giành nhau mua mía - hạn chế bán đường!
Đường tăng giá, tiểu thương phải “chầu chực” tại các nhà máy chờ mua đường, tuy nhiên, nhiều người cho biết: Nếu mua 3 tấn thì họ chỉ bán 1 tấn theo kiểu nhỏ giọt. Giao kiểu này, làm sao đảm bảo hàng cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh mứt và người tiêu dùng.
Giá đường tăng còn kích thích hàng trăm thương lái giành nhau mua từng cây mía nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy “chạy ngày- chạy đêm”. Ông Lê Văn Sử (ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh, Trà Cú, Trà Vinh) phấn khởi: “Tôi chỉ có 1,4 ha, nhưng thương lái mua trọn gói với giá 75 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 50 triệu đồng- gấp 3 lần so năm ngoái”. 15 công mía của ông Ba Kê ở ấp Lu Cừ 1, dù chưa đến tuổi thu hoạch nhưng thương lái đã “đặt cọc” với giá 5,8 triệu đồng/công.
Hệ lụy của việc đường leo thang về giá là người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có đường là nguyên liệu chính gặp rất nhiều khó khăn ngay trong mùa sản xuất cao điểm. Tại làng bánh mứt truyền thống Thới An (Ô Môn, Cần Thơ), mặc dù Tết đã cận kế nhưng một số cơ sở đã ngưng hoạt động, số còn lại sản xuất cầm chừng.
Chị Ba Lệ, 20 năm làm mứt dừa ở Thới An, than thở: “Thời điểm này năm ngoái, 1 tấn đường khoảng 6,5 triệu đồng, hiện nay đã lên 12 – 13 triệu đồng/tấn, cộng thêm dừa khô, bột… đều tăng cao; trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa chuyển biến mạnh. Đành phải sản xuất cầm chừng cho bạn hàng quen dù biết rằng làm lơ mơ lỗ vốn, phá sản như chơi”. Anh Lê Công Tuấn, cơ sở bánh kẹo Liên Hưng, lo lắng: “Tôi vừa cải tiến mẫu mã bao bì và nhập dây chuyền mới trên 1 tỷ đồng có công suất đến 3 tấn/ngày, mà chỉ hoạt động 1- 2 tấn. Vấn đề là chi phí giá thành hiện rất cao nhưng giá bánh không tăng”.
Không riêng gì Thới An, mà nhiều làng bánh mứt khác ở Tiền Giang, An Giang… cũng sản xuất dè dặt sợ lỗ. Bà Năm Hương, kinh doanh đường cát ở TP Cần Thơ, quả quyết: “Sức mua đường cát của các cơ sở sản xuất bánh mứt năm nay giảm 50%. Vụ bánh trung thu vừa rồi nhiều lò bánh lỗ cả trăm đồng do bán chậm, có nơi mua đường gối đầu tới giờ chưa trả. Hiện tại, giá đường tăng họ đâu dám liều”.
Nhiều người e ngại, với giá đường leo thang, không loại trừ khả năng một số cơ sở sử dụng đường “hóa học”- vốn có giá thấp hơn đường cát. Nếu vậy, người tiêu dùng sẽ “lãnh đủ” vì chất lượng không đảm bảo.
Chưa có giải pháp hạ nhiệt
Nhận định về cơn sốt giá đường, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nguyên liệu thiếu khiến nhiều nhà máy đường không thể hoạt động. Đến thời điểm này, cả nước còn 6 nhà máy vẫn chưa hoạt động trong khi nhu cầu đường năm nay lại cao hơn mọi năm. Sản lượng chế biến giảm, lượng đường dự trữ không nhiều là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng sốt giá đường hiện nay.
Trả lời về giải pháp nhập khẩu đường để hạ nhiệt giá đường trong nước, ông Tam cho rằng giải pháp này không khả thi vì 3 thị trường lớn ta có thể nhập khẩu là Thái Lan thì phải đến giữa tháng 1-2006 mới vào vụ đường chính; còn Australia và Brasil thì ở quá xa, tính cả phí vận chuyển vào thì giá thành cũng không thấp.
Chưa kể nếu có nhập khẩu lúc này, dù đường thô hay đường tinh chế, thì cũng phải mất khoảng 2 tháng sau mới về đến Việt Nam, lúc đó, nhu cầu về đường của thị trường trong nước đã qua mùa cao điểm! Khả năng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam cũng không nhiều vì Thái Lan vào vụ đường trễ hơn Việt Nam và giá của họ cũng đang cao.
Như vậy, đến thời điểm này, dường như chưa có giải pháp hạ giá đường. Dự báo giá đường có thể lên đến 15.000 đồng/kg và hơn nữa trong vài ngày tới có nhiều khả năng trở thành sự thật.
“Sốt” giá đường- thêm một bài học về công tác quản lý giá |
NHÓM PV