Thị trường lúa gạo cuối năm

Giá tăng, nguồn cung giảm

Giá tăng, nguồn cung giảm

Sau khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngưng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước đã nhích lên dù ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa hè thu. Trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam đang đứng giá ở mức cao. Gạo 5% tấm có giá chào bán 305-307 USD/tấn (FOB TPHCM), gạo 25% tấm giá 290 USD/tấn. Dự báo những tháng cuối năm, giá gạo sẽ còn tăng trong khi nguồn cung giảm.

Hết nguồn lúa hàng hóa

Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2007, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,318 triệu tấn, kim ngạch 731 triệu USD, giảm 18,53% về lượng và 5,83% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực châu Á (chiếm 76,58%), phần còn lại là châu Phi (14,32%) và châu Mỹ (5,9%).

Đến thời điểm hiện nay, tổng lượng gạo xuất khẩu đã ký hợp đồng đạt 4,5 triệu tấn (trong đó các hợp đồng thương mại chiếm khoảng 30%). Tuy nhiên, từ giữa tháng 6, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại cũ) đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nên ký tiếp hợp đồng trong thời gian tới. Nguyên nhân chính là do chỉ tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn cho cả năm đã gần hết.

Dự đoán năm 2007, Việt Nam sẽ đạt chỉ tiêu 36 triệu tấn lúa (riêng ĐBSCL chiếm 18,8 triệu tấn). Tuy vậy, lượng lúa hàng hóa còn lại trong dân không nhiều.

Giá tăng, nguồn cung giảm ảnh 1

Sản lượng lúa ngày càng giảm do chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Trong ảnh: Nông dân An Giang thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Q.N.

Lý giải điều này có nhiều nguyên nhân: Sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; sản lượng gạo thu hoạch trong năm nay có thể sụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh; các địa phương đang giảm mạnh diện tích đất trồng lúa để chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, rau màu, cây ăn trái và lượng gạo giao từ 1-7 còn nhiều so với hợp đồng đã ký.

So với cùng kỳ năm 2006, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 1,99%, trong đó trồng trọt tăng 1,1%, chăn nuôi tăng 5,1% là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong những năm gần đây.

Sản lượng lúa vụ đông xuân giảm hơn 1,1 triệu tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc giảm gần 600.000 tấn, là hiện tượng chưa từng có trong các năm gần đây. Lượng gạo xuất khẩu cũng giảm gần 19% và kim ngạch giảm 5,6% so cùng kỳ.

Đến nay, ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 5,7 triệu tấn lúa hè thu (1,3/1,6 triệu ha gieo cấy). Nếu tính cả lượng lúa hè thu đang chờ thu hoạch và lúa vụ 3 đã gieo sạ, còn khoảng 2 triệu tấn lúa hàng hoá nữa. Con số này không lớn so với số gạo đã ký hợp đồng chờ giao. Cụ thể, lượng gạo có thời gian giao hàng từ 1-7 còn khoảng 2,2 triệu tấn, trong đó có khoảng 100.000 tấn giao vào đầu năm 2008.

Trong khi đó, dự báo sản lượng lương thực hàng hóa của Việt Nam năm 2007 chỉ đạt khoảng 8,7 triệu tấn, điều này cũng có nghĩa là lượng gạo để xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2007 sắp hết. Theo chỉ tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo năm nay thì các doanh nghiệp chỉ có thể ký xuất khẩu được khoảng 100.000 tấn gạo nữa.

Giá lúa gạo sẽ tăng cao?

Tại ĐBSCL giá gạo đang tăng mặc dù lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch, ở mức bình quân 2.950 đồng/kg, do các nhà xuất khẩu đẩy mạnh mua vào để giao hàng cho nước ngoài. Khan hiếm nguồn, giá gạo xuất khẩu đang tăng cao. Gạo Việt Nam loại 5% tấm chào bán tại cảng TPHCM (giá FOB) hiện là 305-307 USD Mỹ/tấn, gạo 25% tấm có giá 290 USD /tấn, tăng bình quân 30-40 USD/tấn so với 2 tháng trước.

Vừa qua, tại TP Hạ Long, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar – 5 nước kiểm soát 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu - đã có hội nghị bàn về vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu gạo, không xuất khẩu gạo biến đổi gen và việc hợp tác xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Số liệu tại hội nghị cho thấy Quỹ dự trữ an ninh lương thực Thế giới đến năm 2007 chỉ còn 76 triệu tấn gạo (các năm trước là 140 triệu tấn). Trong năm nay, nhu cầu lương thực trên thế giới cần 245 triệu tấn, trong khi đó các nước sản xuất lương thực chỉ có thể sản xuất khoảng 240 triệu tấn. Như vậy năm nay, dự trữ an ninh lương thực thế giới tiếp tục thiếu hụt 5 triệu tấn gạo.

Năm 2007, dự báo Thái Lan sẽ thu hoạch được 29 triệu tấn lúa, xuất khẩu 8,5 triệu tấn. Hiện nay, các doanh nghiệp Thái Lan đang kìm giá xuất khẩu, các chuyên gia dự báo giá gạo Thái Lan sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm. Do vậy, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy lên cao gần bằng giá gạo Thái Lan.

Tuy nhiên, giá gạo tăng chưa hẳn vui. Nguyên nhân chính là khan hiếm tàu và giá cước tàu vận chuyển tăng gần 40% so với cùng kỳ 2006, đã tác động không ít vào giá xuất khẩu gạo vì phát sinh chi phí lưu kho.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Gentraco, một nhà xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL, cho biết cước vận chuyển gạo tăng bình quân 20-30 USD /tấn so với cuối năm ngoái. Cước tăng nhưng khó thuê tàu, nhất là tuyến vận chuyển đi các nước ASEAN, mà ASEAN là thị trường xuất khẩu tới 50% sản lượng gạo của Việt Nam. Hiện cước phí vận chuyển gạo xuất khẩu chiếm tới 30%-35% giá gạo xuất khẩu tính theo giá FOB.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến vào tháng 9 tới, Chính phủ sẽ xem xét vấn đề có cho ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo nữa hay không sau khi Bộ NN-PTNT khảo sát tình hình mùa vụ trong nước. Tuy nhiên, lượng gạo hàng hoá không còn nhiều và do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới tăng cao, gạo Việt Nam đang có cơ hội “đua tài đua sức”. 

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục