Gia tăng tuyển dụng ngành nghề kỹ thuật, công nghệ

Trong 3 năm tới, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao (từ đại học trở lên) của các đơn vị sử dụng lao động (ĐVSDLĐ) sẽ giảm khoảng 14,4% so với 3 năm gần đây và sẽ dành ưu tiên tuyển dụng một số ngành nghề kỹ thuật, công nghệ...

Đây là kết quả khảo sát của gần 1.800 ĐVSDLĐ tại 4 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ từ đề tài nghiên cứu do PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Phó trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM, làm chủ nhiệm vừa được công bố.

Ưu tiên “sản phẩm” của những đại học lớn

Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, chủ nhiệm đề tài “Khảo sát và đánh giá nhu cầu của ĐVSDLĐ tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ”, qua phản hồi của 67% ĐVSDLĐ (1.779 ĐVSDLĐ được khảo sát), hầu hết các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM đều được ĐVSDLĐ ưu tiên tuyển dụng. Nổi bật trong các đơn vị này là Trường ĐH Bách Khoa, với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự cao nhất của cả 4 tỉnh, thành phố (TPHCM chiếm 24,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu: 21,8%, Bình Dương: 24,8%, Đồng Nai: 25,7%).

Tiếp đến là Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Kinh tế - Luật với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự từ 14%-17%. Trong đó, ĐVSDLĐ tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đều có tỷ lệ ưu tiên tuyển nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên cao hơn Trường ĐH Kinh tế - Luật (chênh lệch từ 0,5%-3%), và ngược lại tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, ĐVSDLĐ cũng ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các đơn vị thành viên khác của ĐH Quốc gia TPHCM.

v4c-682.jpg
Sinh viên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Đối với các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, xu hướng tuyển dụng (theo khía cạnh cơ sở đào tạo ứng viên tốt nghiệp) thể hiện sự khác biệt theo lĩnh vực hoạt động. Chẳng hạn, trong số 59 cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn TPHCM (không tính 6 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), ĐVSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh - quản lý ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TPHCM và các trường ĐH khác… ĐVSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thì chủ yếu ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Nông lâm.

Tập trung vào nhân sự kỹ thuật, công nghệ

Kết quả khảo sát cũng cho thấy xu hướng tuyển dụng nhân sự trong 3 năm gần nhất (năm 2020-2022), đánh giá theo lĩnh vực đào tạo của ứng viên, ĐVSDLĐ tại 4 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kỹ thuật và kinh doanh - quản lý. Trong đó, TPHCM và Bình Dương có xu hướng tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực kinh doanh - quản lý nhiều hơn lĩnh vực kỹ thuật; và xu hướng này thể hiện ngược lại tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Bên cạnh đó, nhân sự tốt nghiệp từ các lĩnh vực máy tính - công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, pháp luật, sản xuất - chế biến, kiến trúc - xây dựng và môi trường - bảo vệ môi trường cũng được ưu tiên tuyển dụng cao.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng cho biết, kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong 3 năm tới (năm 2023-2025) của các ĐVSDLĐ chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực kinh doanh - quản lý và kỹ thuật, máy tính - công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, pháp luật, sản xuất - chế biến, kiến trúc - xây dựng, môi trường - bảo vệ môi trường.

Theo số liệu khảo sát, số nhân sự mà 1.779 ĐVSDLĐ dự kiến tuyển dụng trung bình là 79.327 người, tập trung vào các lĩnh vực trên. Nhìn chung, số lượng nhân sự 3 năm tới được tuyển mới sẽ giảm 14,4% so với số lượng nhân sự tuyển mới của 3 năm qua. Theo đó, lĩnh vực giảm nhiều nhất là kiến trúc và xây dựng (giảm 45,3%), tiếp đến là lĩnh vực nghệ thuật (giảm 30,4%), lĩnh vực toán và thống kê (giảm 30,1%)...

Tuy nhiên, một số ngành có nhu cầu tuyển tăng, như khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên - tăng 4% (chủ yếu ở Đồng Nai) hay thú y - tăng 7,2%. Các ĐVSDLĐ dự kiến tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực kỹ thuật với số lượng cao nhất (14.671 nhân sự), ngược lại là số lượng nhân sự được dự kiến tuyển dụng thuộc lĩnh vực nghệ thuật (563 nhân sự). Ngoài ra, nhân sự thuộc lĩnh vực kinh doanh - quản lý, máy tính - công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, sản xuất - chế biến cũng được dự kiến tuyển dụng nhiều (trên 5.000 nhân sự/lĩnh vực).

Theo kết quả phân tích, mức lương khởi điểm được phần lớn các ĐVSDLĐ đề nghị cho ứng viên theo trình độ đào tạo như sau: trình độ ĐH khoảng 5-10 triệu đồng/tháng; trình độ thạc sĩ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng. Riêng ứng viên trình độ tiến sĩ, ĐVSDLĐ tại TPHCM và Bình Dương chủ yếu đề xuất mức lương khởi điểm từ 15-20 triệu đồng/tháng; trong khi đó, phần lớn ĐVSDLĐ tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đề xuất mức lương khởi điểm cho các ứng viên này là từ 20 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, khi tuyển dụng nhân sự thì ĐVSDLĐ quan tâm và đánh giá thiên về thái độ của ứng viên hơn là các kỹ năng. Thái độ của ứng viên được ĐVSDLĐ đánh giá là tốt. Tuy nhiên, kỹ năng và kiến thức của các ứng viên chỉ được đánh giá ở mức khá.

Về yêu cầu của ĐVSDLĐ đối với ứng viên, phần lớn ĐVSDLĐ mong muốn ứng viên có được thái độ tốt, như: tinh thần chịu trách nhiệm, tính trung thực, lòng trung thành và tinh thần cầu tiến, chấp nhận thử thách. Đối với các kỹ năng còn lại, ĐVSDLĐ đều thể hiện yêu cầu ở mức độ khá mong muốn.

Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, kết quả từ đề tài nghiên cứu sẽ giúp cơ sở đào tạo biết ĐVSDLD cần gì, muốn gì để có kế hoạch về tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu ĐVSDLĐ. Vì vậy, cần có một nghiên cứu đánh giá đầy đủ về nhu cầu bồi dưỡng cho giảng viên các kỹ năng chuyên sâu để giảng viên có thể lồng ghép các kỹ năng đó vào trong chương trình đào tạo, bài giảng của mình.

Cùng với đó, Nhà nước cần có quy hoạch và dự báo cho các ngành đào tạo đồng đều trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển đều các ngành đào tạo; cần có sự định hướng, phân luồng nghề cho sinh viên sau khi tốt nghiệp THPT để các em phát huy hết khả năng của mình, tránh việc lãng phí nguồn lực của xã hội khi ra trường mà không sử dụng được.

Tin cùng chuyên mục