Năm 2006

Giá trị tổng sản lượng của Vinashin sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD

Giá trị tổng sản lượng của Vinashin sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD
Giá trị tổng sản lượng của Vinashin sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD ảnh 1

Năm 2006, Vinashin có nhiều thuận lợi do các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã gần hoàn thành, nhất là các dự án nâng cao năng lực giai đoạn 1 các nhà máy đóng tàu lớn (Bạch Đằng, Nam Triệu, Hạ Long) đã hoàn thành trong năm 2005 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2006. Dự kiến giá trị tổng sản lượng của Vinashin sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất từ trước đến nay.

Vào thời điểm hiện nay, Vinashin vẫn tiếp tục nhận được đề nghị đàm phán ký các hợp đồng đóng mới của nhiều chủ tàu đến từ các nước có nền đóng tàu tiên tiến trên thế giới. Các đối tác Nhật Bản muốn đóng các loại tàu hàng có trọng tải từ 10.000 tấn đến 56.000 tấn, các chủ tàu Đức, Nauy, Hàn Quốc muốn đóng tàu container 1.016TEU và 1.700TEU và Malaysia đề  nghị tàu dầu 13.500 tấn.

Vinashin sẽ tiếp tục tiến hành chương trình phát triển mở rộng các nhà máy đóng tàu khắp 3 miền để thành lập 3 cụm đóng tàu lớn tại miền Trung, Bắc, Nam. Ở phía Bắc đóng những tàu lớn khoảng 70.000 tấn và chủ yếu là đóng các tàu chở container, dầu, gỗ. Ở miền Trung Vinashin sẽ tập trung vào đóng những tàu có trọng tải lớn từ 250.000 tấn đến 300.000 tấn, các tàu khách trọng tải lớn và ở phía Nam sẽ tập trung đóng tàu khoảng 30.000 tấn.

Để thực hiện chương trình nội địa hoá ngành đóng tàu, ngay trong năm 2006, Vinashin sẽ khởi đông xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị phụ trợ như nhà máy sản xuất vỏ thép ở Cái Lân, Nhà máy sản xuất máy chính ở khu công nghiệp tàu thuỷ An Hồng, các thiết bị trên boong ở Hải Dương. Trong kế hoạch giải ngân 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế Chính phủ, Vinashin sẽ dành một phần để phát triển khối công nghiệp phụ trợ, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% vào năm 2010.

Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, năm 2006, Vinashin có chương trình bổ sung thêm nhân lực từ 8.000-10.000 người. Vinashin tiếp tục chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực bằng việc đưa cán bộ kỹ thuật, quản lý và công nhân lành nghề đi học tập tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Cũng trong năm 2006, Vinashin sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác khoa học kỹ thuật với các đối tác nước ngoài có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển, trước mắt tập trung hợp tác với các công ty thiết kế của Nhật Bản và Hàn Quốc trong các loại sêri tàu chở hàng, tàu chở dầu thô, các công ty của Ba Lan về các loại tàu chở container, các công ty của Hà Lan về các loại tàu hút bùn để mua thiết kế cơ bản và chuyển giao công nghệ thiết kế bằng các hình thức như thoả thuận hợp tác, hợp đồng liên doanh.

V.Q (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục