Giá vàng “nhảy múa” khó lường!

Diễn biến phức tạp

Từ đầu tháng 10-2008 đến nay, giá vàng trong nước và trên thị trường thế giới liên tục diễn biến như chú ngựa bất kham. Từ nay đến cuối năm giá vàng sẽ “di chuyển” theo “quỹ đạo” nào, đang là mối quan tâm của các nhà đầu tư vàng vật chất lẫn các nhà đầu tư  cá nhân “lướt sóng” trên các sàn vàng.

Diễn biến phức tạp

Sau hơn 15 lần thay đổi, đến 17 giờ 30 ngày 13-10, giá vàng SJC đã chốt lại ở mức 17,62 triệu đồng/lượng (thu vô) và 17,69 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tiếp 10.000 đồng/lượng so với mức giá chốt vào cuối tuần trước. Khác với giá vàng trong nước, cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới lại tăng khoảng 15,5 USD/ounce khi đứng ở mức 865,5 USD/ounce so với mức giá chốt vào cuối tuần trước.

Trong khi trước đó vào ngày 10-10, giá vàng thế giới đã có lúc vọt lên đến 920 USD/ounce. Nhiều nhà đầu tư vàng vật chất trong nước cho rằng mức giá chiều ngày 13-10 là khá hợp lý để đầu tư nên đã đẩy mạnh mua vào và hạn chế bán ra. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), khối lượng vàng giao dịch trong ngày đầu tuần tăng nhẹ, lượng vàng bán ra đạt 2.500 lượng còn khối lượng mua vào chỉ 500 lượng. Ngược lại, tại các sàn giao dịch vàng Phương Nam, Việt Á, ACB… khối lượng giao dịch lại có chiều hướng giảm nhẹ so với đầu tuần trước do các nhà đầu tư theo kiểu “lướt sóng” e dè trước sự “nhảy múa” liên tục của giá vàng.       

Một số chuyên gia cho rằng đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chính “đè” giá vàng, cùng với đó là do một số quỹ tài chính bán tháo vàng để thu về tiền mặt do có tin đồn nhiều thị trường chứng khoán lớn có thể bị đóng cửa sau nhiều ngày xuống dốc mạnh. Bên cạnh đó, do đang thiếu vốn trầm trọng, nhất là các nhà đầu tư chứng khoán, nên nhiều nhà đầu tư tài chính buộc phải bán vàng ra để giải quyết thanh khoản, chính vì thế giá vàng thế giới sẽ khó có thể tăng cao trở lại trong ngắn hạn. Bám sát giá vàng thế giới, từ đầu tháng 10 đến nay, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh.

Cụ thể, vào cuối ngày 11-10 vừa qua, vàng SJC đang niêm yết tại Công ty SJC ở mức 17,60 – 17,70 triệu đồng/lượng, hơn 400.000 đồng/lượng so với mức giá trước đó một ngày (10-10). Không còn đi theo quy luật tăng giảm cùng với giá dầu, giá euro, giá vàng trong những ngày gần đây bị tác động rất nhiều bởi các yếu tố liên quan đến tình hình kinh tế và chính trị thế giới. Ngày 8-10, thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản trong những ngày tới, nhưng giới đầu tư tài chính quốc tế lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ lan rộng nên mạnh tay chuyển dịch dòng tiền từ chứng khoán sang vàng, đẩy giá vàng tăng vọt.

Cụ thể đầu giờ sáng (giờ VN) ngày 8-10, giá vàng thế giới tại website kitco.com giao ở mức 888,1 USD/ounce, thì cuối giờ chiều lên đến 915 USD/ounce. Vàng SJC trong nước, cùng ngày cũng từ mức 17,7 triệu đồng/lượng vào đầu ngày vọt lên mức 18,250 triệu đồng/lượng vào cuối ngày. Tuy nhiên sau khi FED và các ngân hàng trung ương các nước công bố mức lãi suất mới sau khi  đã cắt giảm, giá vàng thế giới bất ngờ “hạ nhiệt” dần. Từ mốc 915-920 USD/ounce đêm 8-10 đã giảm xuống 887,4 USD/ounce và hiện chỉ còn ở mức 865,5 USD/ounce. Cùng đà đó, vàng trong nước cũng giảm theo…

Tăng hay giảm trong quý 4?

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, dấu hiệu khủng hoảng kinh tế thế giới đã xuất hiện từ năm 2006 chứ không phải đến bây giờ mới bộc lộ. Vì thế, Mỹ và các nước khác buộc phải bơm USD cứu thị trường. Sau khi Chính phủ Mỹ bơm 700 tỷ USD nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường thì vàng sẽ chịu nhiều tác động theo xu hướng giảm giá. Cùng với đó, tình trạng giá bất động sản ở Mỹ đã tuột dốc về ngưỡng giá năm 2004, dưới cả giá gốc, là cơ hội vàng để các nhà đầu tư “bỏ vàng theo đất”!

Với “trào lưu” đó, giá vàng tất sẽ không tăng cao nhiều nữa. Hiện thời, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang “chập chững” những bước đầu tiên của tiến trình “lấy lại phong độ” cho nền kinh tế chứ không phải bắt đầu rơi vào vòng suy thoái như nhiều người nghĩ. Do tâm lý cho rằng cuộc suy thoái kinh tế thế giới mới bắt đầu và sẽ lan rộng và “động tác” đầu cơ của các tổ chức tài chính thế giới nên có một số thời điểm, như giữa tuần này, giá vàng “thăng thiên” mạnh.

Tuy nhiên, với thực tế trên, giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm sẽ không vượt quá 900 USD/ounce dù vàng vẫn tiếp tục là kênh đầu tư an toàn. Còn giá vàng trong nước cũng sẽ không chênh lệch quá nhiều dù mức độ liên thông với thế giới chưa cao. Nếu biên độ mua vào-bán ra trên 200.000 đồng/lượng thì các nhà đầu tư “lướt sóng” sẽ gặp nguy cơ rủi ro cao. Có thể nói, giá vàng ở VN vẫn sẽ cao do thị trường bất động sản còn đóng băng nhưng sẽ không thể cao bất thường so với giá vàng thế giới vì không thể “một mình một chợ” khi mức độ liên thông ngày càng lớn.

Khác với ông Đinh Thế Hiển, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, lại có cái nhìn rất khả quan về giá vàng và thị trường vàng trong quý 4. Theo ông, giá vàng trong quý 4 sẽ vẫn ở mức cao do hiện nay các quỹ đầu tư vẫn xem vàng là một công cụ dự phòng rủi ro tốt nhất trong tình trạng lạm phát lan rộng nên đa số đầu tư hơn 20% vào vàng.

Hơn nữa, theo thông lệ hàng năm, từ giữa tháng 10 trở đi giá vàng thường tăng cao do nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vào những lễ hội lớn tại Trung Quốc, Ấn Độ và dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, mùa cưới…

Do vậy, cũng có khả năng giá vàng sẽ lập lại mức 1.000 USD/ounce như tháng 3-2008. Chính vì thế, đối với các nhà đầu tư vàng dài hạn và trung hạn thì thời điểm này có thể mua vào được, còn các nhà đầu tư “lướt sóng” thì nên thận trọng vì rất có thể các quỹ đầu cơ sẽ “xả” hàng khi giá vàng “ngóc đầu”!

Hơn nữa nếu như các công ty kinh doanh vàng và các ngân hàng có kinh doanh vàng có trang bị công cụ phòng ngừa rủi ro rất tốt khi giá vàng biến động thì các nhà đầu tư cá nhân hầu như không có phương tiện hỗ trợ nào. Vì vậy, hơn ai hết các nhà đầu tư dạng này hãy thật cẩn trọng trước những “điệu múa” rất khó lường của giá vàng!

Hoàng Long - Mai Thi

Tin cùng chuyên mục