Nghệ nhân Điểu Kâu

Giấc mơ không dang dở

Giấc mơ không dang dở

Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nghệ nhân dân gian Điểu Kâu đã từ trần, hưởng thọ 74 tuổi. Ông là một trong hai người được Nhà nước phong tặng nghệ nhân dân gian đầu tiên ở tỉnh Đắc Nông.

Đi khắp Tây Nguyên

Đến Tây Nguyên, nhắc tới nghệ nhân dân gian Điểu Kâu, hầu hết người dân tộc M’Nông đều có thể kể cho bạn nghe một kỷ niệm của họ với ông. Bởi ông đã dành cả đời đi khắp Tây Nguyên tìm kiếm, sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân gian M’Nông.

Giấc mơ không dang dở ảnh 1

Nghệ nhân Điểu Kâu bên bộ sách Sử thi Tây Nguyên mà ông dốc bao tâm huyết thực hiện. Ảnh: T.V.

Cho đến lúc ra đi, nghệ nhân Điểu Kâu đã biên soạn và dịch được 15 truyện cổ, 3 tập lời nói vần và rất nhiều đầu sách có giá trị khác. Đặc biệt, bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất từ trước đến nay. Đây là công trình nằm trong dự án Điều tra-Sưu tầm-Bảo quản-Biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên do Viện Nghiên cứu Văn hóa trực tiếp thực hiện, với kinh phí hơn 17 tỷ đồng.

Do tầm vóc đồ sộ, bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên đã được công bố từng phần từ năm 2004 đến 2007. Đến cuối năm 2007, bộ sách đã lên đến 62 tập, bao gồm 75 tác phẩm sử thi với hơn 60.000 trang sách khổ 16x24.

Dù có quy mô lớn nhưng bộ sách mới chỉ là phần mở đầu của dự án vì hiện nay vẫn còn đến hơn 700 tác phẩm sử thi khác đã được sưu tầm nhưng chưa công bố. Dự kiến, bộ sách khi hoàn thành sẽ tác động UNESCO xét công nhận Sử thi Tây Nguyên là Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.

Để hoàn tất công trình trên, nghệ nhân Điểu Kâu là một người đóng vai trò quan trọng. Ông phải đi tìm gặp những người còn lưu giữ những câu truyện sử thi theo dạng truyền miệng để ghi âm lại. Sau đó, ông chuyển thành dạng văn bản, biên dịch sang tiếng Việt để sử thi M’Nông ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh ông vẫn nỗ lực biên dịch cuốn “Tục ngữ dân tộc M’Nông” cùng một loạt các truyện cổ dân gian M’Nông khác.

Gia đình tiếp sức giấc mơ dang dở

Nghệ nhân Điểu Kâu đã phải dừng lại giấc mơ của mình, thế nhưng vẫn còn đó những người sẽ tiếp tục hoàn tất giấc mơ của ông. Người thứ hai không phải ai xa lạ, chính là anh trai của ông, nghệ nhân Điểu K’Lứt.

Nếu Điểu Kâu am hiểu văn hóa M’Nông và rành rẽ cả ngôn ngữ văn hóa Kinh thì Điểu K’Lứt lại là một kho tự điển về sử thi M’Nông. Ông có thể ngồi kể sử thi M’Nông nhiều ngày liên tục không nghỉ. Cũng chính nhờ sự hỗ trợ của người anh mà nghệ nhân Điểu Kâu mới có thể biên dịch được số lượng sử thi lớn trong một thời gian ngắn.

Ngoài người anh Điểu K’Lứt, gia đình nghệ nhân Điểu Kâu còn nhiều người khác tiếp tục kế thừa giấc mơ của ông. Đó là hai người em Điểu Lung và Thị Ngơn.

Điểu Lung cũng nhớ tới hàng chục sử thi M’Nông và cô em gái Thị Ngơn biết hát-kể sử thi, nói vần và diễn tấu nhạc cụ rất nhuần nhuyễn. Thậm chí, ở hàng con cháu cũng không thiếu người kế thừa như Thị Mai, con gái của nghệ nhân Điểu Kâu, được đánh giá là nghệ nhân trẻ nổi tiếng về biểu diễn cồng chiêng và hát kể sử thi. Với sự tham gia nhiệt tình của chị, đội cồng chiêng của xã Đắc N’Drung luôn được đánh giá là đội chiêng xuất sắc của tỉnh Đắc Nông, diễn tấu được nhiều bài chiêng cổ.

Nghệ nhân dân gian Điểu Kâu ra đi là mất mát to lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người M’Nông nói riêng và văn hóa dân gian Việt Nam nói chung. Thế nhưng, hẳn ông cũng mãn nguyện khi vẫn còn đó những người tiếp nối ông hoàn tất giấc mơ mà ông đang dang dở. 

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục