Giải bài toán kết nối giao thông

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý phát triển ở Vùng KTTĐ phía Nam bởi vị trí quan trọng, đóng góp ngân sách lớn nhưng tốc độ phát triển đang có dấu hiệu chậm lại.
Nút giao ngã tư Vũng Tàu giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc. Ảnh: VĂN PHONG
Nút giao ngã tư Vũng Tàu giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc. Ảnh: VĂN PHONG

Với vai trò là đầu tàu kinh tế, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội (KTXH) chung của cả nước. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, hạ tầng giao thông kết nối của vùng bộc lộ nhiều hạn chế, xuất hiện các điểm nghẽn khiến tốc độ tăng trưởng của vùng đang có dấu hiệu chậm lại. Thực tế đòi hỏi, cần có giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy kết nối giao thông để Vùng KTTĐ phía Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Nhiều điểm nghẽn

Là một trong 4 Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Vùng KTTĐ phía Nam hội tụ đầy đủ yếu tố về điều kiện tự nhiên và nhân lực để phát triển KT-XH theo hướng hiện đại, mang tầm cỡ khu vực. Theo số liệu thống kê, riêng năm 2018, tổng sản phẩm của toàn vùng (GRDP) đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm 45,4% GDP của cả nước và bằng GRDP của 3 Vùng KTTĐ khác cộng lại. Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng chỉ đạt 6,81% và xếp thứ 2, sau Vùng KTTĐ Bắc bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP 9,08%. 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý phát triển ở Vùng KTTĐ phía Nam bởi vị trí quan trọng, đóng góp ngân sách lớn nhưng tốc độ phát triển đang có dấu hiệu chậm lại. Vùng KTTĐ phía Nam có số doanh nghiệp gấp 6 lần và hàng hóa vận tải gấp 5 lần Vùng KTTĐ Bắc bộ nhưng toàn vùng mới chỉ có 91km đường cao tốc, chiếm 11% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở TPHCM đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của khu vực.

Cùng quan điểm, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ ra vấn đề của Vùng KTTĐ phía Nam là cơ sở hạ tầng giao thông những năm qua chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa. Trong đó, Đông Nam bộ là khu vực chủ lực về sản xuất nông nghiệp, hàng hóa và xuất khẩu hàng công nghiệp, điện tử nhưng vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Đặc biệt là thiếu hẳn một tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai đến cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải; thiếu cơ chế phối hợp liên vùng nên thời gian qua các địa phương vẫn chủ yếu “mạnh ai nấy làm”. 

Tìm vốn và cơ chế vùng

Qua thực tiễn cho thấy, những hạn chế và vướng mắc trong việc đầu tư nối kết hạ tầng giao thông Vùng KTTĐ phía Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng xuất phát từ 4 nguyên nhân chính: nhận thức về lợi ích nối kết hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn còn loanh quanh trong ranh giới địa phương; chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; chưa thành lập được quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận giữa các tỉnh thành; chưa giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương, tỉnh thành trong toàn vùng, khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, trên góc độ liên vùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích phát triển: Phát triển TPHCM hay Đông Nam bộ phải nhìn từ lợi ích quốc gia nhằm thu được lợi ích lớn hơn; cần nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, nhằm triển khai đồng bộ các dự án quy mô lớn, mang tính chất liên tỉnh, liên vùng. Quỹ có thể được hình thành từ các nguồn như: đóng góp từ ngân sách Trung ương; ngân sách các tỉnh, thành trong vùng; đóng góp của các doanh nghiệp trong vùng; vay, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ sẽ được sử dụng chủ yếu để đầu tư vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm công nghệ, đào tạo nhân lực có tác động chung đến sự phát triển của vùng. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Vùng KTTĐ phía Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng là vùng có nhiều tiềm năng với vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, logistics và hàng không lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Do vậy, cần xác định đầu tư cho kết nối hạ tầng giao thông là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước chứ không phải đầu tư cho riêng vùng. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ phân bổ, cân đối ngân sách để kịp thời triển khai các dự án kết nối vùng.

Tin cùng chuyên mục