Giai đoạn 2021 - 2025: Tự chủ tuyển sinh tối đa

Chính phủ vừa có báo cáo số 272/BC-CP gửi các đại biểu Quốc hội về thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học năm 2020. Chính phủ đã cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD-ĐT trình.

Đối sánh kết quả thi với kết quả học tập

Theo đó, kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày (9 và 10-8) do Bộ GD-ĐT chủ trì, với yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Kỳ thi về cơ bản được giữ ổn định như năm 2019 nên tạo sự yên tâm cho thí sinh, phụ huynh và xã hội, đồng thời phù hợp bối cảnh và tác động của dịch Covid-19 đối với việc dạy và học của học sinh lớp 12 năm học 2019 - 2020. Nội dung thi với 5 bài thi (bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, mỗi đối tượng dự thi khác nhau sẽ chọn bài thi thích hợp để dự thi theo quy chế thi của Bộ GD-ĐT) được giữ như năm trước.

Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi ở địa phương, tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức kỳ thi tại địa phương đảm bảo “an toàn, nghiêm túc và thành công”. Năm nay, căn cứ cơ sở dữ liệu người học, các địa phương sẽ thực hiện việc đối sánh kết quả thi của thí sinh với kết quả học tập lớp 12. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng chống gian lận, đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi.

Giai đoạn 2021 - 2025: Tự chủ tuyển sinh tối đa ảnh 1 Học sinh tham dự kỳ thi THPT 2019. Ảnh: QUANG PHÚC

Về tổ chức xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng quy chế tuyển sinh theo hướng tăng cường tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm việc tuyển sinh một cách trung thực, khách quan, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội.

Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT ban hành, các trường có nhiều lựa chọn phương thức để tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp với các hình thức đa dạng, chủ động, tuân thủ theo quy chế. Cụ thể, nếu các trường thực hiện phương thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cần đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy chế để kỳ thi diễn ra minh bạch, công bằng, đánh giá được năng lực cốt lõi của người học để có thể theo học ở bậc đại học.

Nếu các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển theo các tổ hợp thì có trách nhiệm giải trình về căn cứ xây dựng tổ hợp phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Các trường cần công bố đề án tuyển sinh theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về đề án đó.

Giữ ổn định xét tuyển đại học

Quy chế tuyển sinh năm 2020 cho phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm để đảm bảo sự linh hoạt cho các trường và tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn đúng ngành nghề mà các em yêu thích. Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu, quy trình lọc ảo, xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Năm 2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe, các ngành khác do các trường quyết định.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, về cơ bản, việc tổ chức xét tuyển đại học năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019, trong đó hầu hết các trường (trừ nhóm trường nghệ thuật, mỹ thuật) sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để làm căn cứ xét tuyển sinh.

Các cơ sở giáo dục đại học tốp đầu (có mức độ cạnh tranh cao) đều có dành một phần chỉ tiêu tuyển sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, trong đó có các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Y Hà Nội, Y Dược TPHCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TPHCM… Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh áp dụng cho giai đoạn mới theo hướng tự chủ tuyển sinh tối đa dành cho các cơ sở đào tạo, thực hiện theo các định hướng của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dù mục đích chính của kỳ thi 2020 là xét tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Do đó, Bộ trưởng đã yêu cầu công tác tổ chức thi phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, địa phương có trách nhiệm rất cao. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD-ĐT tập trung vào một số việc: chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. “Đặc biệt, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương để bảo đảm kỳ thi diễn ra tuyệt đối an toàn, nghiêm túc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục