Vốn vay cho sinh viên

Giải ngân chậm, sinh viên như ngồi trên đống lửa

Nỗi lo của sinh viên nghèo…  
Giải ngân chậm, sinh viên như ngồi trên đống lửa

Nhiều sinh viên (SV) phản ánh với đường dây nóng Báo SGGP là một số trường đại học tại TPHCM quy định ngày 14-4 là hạn chót đóng học phí cho học kỳ 2, SV nào không đóng tiền sẽ bị… cấm thi!. Thế nhưng, nhiều SV nghèo vẫn chưa vay được vốn… thì sao?

Nỗi lo của sinh viên nghèo…  

Giải ngân chậm, sinh viên như ngồi trên đống lửa ảnh 1

Phụ huynh đang làm thủ tục vay tiền cho con ăn học tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, chi nhánh TPHCM. Ảnh: M.N.

Nguyễn Tuấn Hữu, SV khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM, quê ở tỉnh Đắc Lắc tâm sự: “Em đang học đại học năm thứ ba, gia đình rất nghèo, nhiều lúc em đã có ý định bỏ học. Mới đây, thấy Nhà nước có chương trình hỗ trợ vốn cho SV đóng học phí, em mừng lắm.

Học kỳ 1, em đã làm thủ tục vay 4 triệu đồng để đóng học phí cho 5 tháng của học kỳ 1 (800.000 đồng/tháng). Nay em làm hồ sơ xin vay tiếp 4 triệu đồng nữa để đóng học phí cho học kỳ 2, thế nhưng không hiểu sao mọi thủ tục đã làm xong mà em vẫn chưa được nhận vốn. Trong khi đó, nhà trường thông báo đến ngày 14-4-2008 là hạn chót đóng học phí học kỳ 2, em lo quá không biết phải làm sao. Thiếu sách vở còn mượn tạm của bạn bè, chứ không có tiền đóng học phí thì sẽ bị cấm thi, vì phải có biên lại đóng học phí nhà trường mới cho thi…”.

Cùng chung “cảnh ngộ” với Hữu còn có nhiều SV nghèo khác như Nguyễn Tâm Thanh, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hiện là SV khoa Sử, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, Thanh kể: “Ngày nào em cũng gọi điện thoại về quê hỏi bố mẹ đã vay được tiền ngân hàng chưa thì toàn nghe trả lời là “chưa có”, em như người ngồi trên đống lửa vì không biết làm sao có tiền đóng học phí cho kịp thời hạn. Mẹ em ở quê điện vào bảo nếu ngân hàng chưa có tiền thì bà sẽ đi vay nóng bên ngoài với lãi suất 30% để kịp cho em đóng học phí…”.

Tương tự, Nguyễn Thị Bạch Yến, học khoa Toán-Tin học, Trường Trung cấp dạy nghề Lê Thị Riêng ở quận 10, em ở tỉnh Bình Thuận, cha mất sớm, chỉ còn một mình mẹ tần tảo nuôi 5 đứa con. Do hoàn cảnh khó khăn, cả nhà chỉ có một mình Yến được “ưu tiên” vào TPHCM ăn học. Nghe có chủ trương cho SV vay vốn, Yến đến Ngân hàng CSXH TPHCM xin vay vốn đóng học phí cho học kỳ 2. Bạch Yến cho biết: “Tại trường em, các bạn có nhà ở TPHCM thì vay tiền khá thuận lợi vì Ngân hàng CSXH TPHCM linh động sử dụng nguồn vốn tín dụng nhàn rỗi cho SV vay, còn SV các tỉnh thì đang vướng mắc...”.

Thủ tục “thoáng”, nhưng vốn chưa “thông”…

Ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) chi nhánh TPHCM cho biết: Từ khi có chủ trương hỗ trợ học phí cho SV có điều kiện học tập, nhiều SV các trường đại học trên địa bàn TP đã đến xin mẫu xác nhận để làm thủ tục hồ sơ vay vốn, do vậy, ngân hàng CSXH TPHCM ngẫu nhiên trở thành “đầu mối” cho SV cả nước đến đây làm thủ tục vay vốn. Tại buổi tư vấn mùa thi mới đây do báo Tuổi trẻ tổ chức, Ngân hàng CSXH TPHCM đã phát hành hơn 2.000 mẫu giấy xác nhận vay vốn cho người có nhu cầu vay.

Mức vay 800.000 đồng/người/tháng (đối với học viên học nghề ngắn hạn từ 1 năm trở xuống) và 8 triệu đồng/người/năm, giải ngân 2 kỳ vào đầu học kỳ 1 và đầu học kỳ 2 (đối với SV học tại các trường đại học có thời gian học từ 1 năm trở lên). Lãi suất 0,5%/tháng. Thời gian vay đối với học viên có thời gian học dưới 1 năm, thì thời gian vay gấp đôi thời gian đi học; đối với SV có thời gian học từ 1 năm trở lên thì sẽ được vay bằng thời gian học cộng với 1 năm ân hạn.

Chẳng hạn, học viên học nghề sửa xe với thời gian học 3 tháng thì sẽ được vay tổng cộng 21 tháng, trong đó gồm: 3 tháng học nghề, 12 tháng “ân hạn” (thời gian tìm việc làm), 6 tháng trừ nợ. SV đại học Y Dược khóa học 6 năm, thì thời gian được vay trong vòng 13 năm, trong đó có 6 năm học,  1 năm tìm việc làm và 6 năm trả nợ. Thủ tục vay vốn gồm hai bước cơ bản: SV xin giấy xác nhận của trường và xác nhận của địa phương. Địa phương xác nhận theo tiêu chí đã quy định như thuộc diện nghèo,thu nhập thấp, khó khăn đột xuất.

Nhìn chung, các thủ tục vay vốn cũng như thời gian được vay vốn  rất “thoáng”, tuy nhiên, do nguồn vốn từ Trung ương đưa về các tỉnh còn chậm nên SV vay vốn đang gặp khó khăn. Tại TPHCM, tính đến ngày 31-3, Ngân hàng CSXH đã chi tổng dư nợ cho học sinh SV vay vốn là 106 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2008 sẽ tiếp tục chi 110 tỷ đồng cho SV vay vốn. Với nguồn vốn này, Ngân hàng CSXH TPHCM đã hỗ trợ vốn cho 16.400 khách hàng vay vốn, trong đó đa số là SV vay vốn học tập.

Được biết, tổng nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ SV vay vốn trên địa bàn cả nước từ 30.000 tỷ đồng đến 35.000 tỷ đồng, theo đó mỗi năm giải ngân từ 6.000 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng. Riêng TPHCM được Trung ương rót vốn hơn 140 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được 30 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để học tập. Sắp tới, các tỉnh thành không chỉ dừng lại ở đối tượng hỗ trợ vốn là SV mà còn mở rộng ra các học viên đang học tại các cơ sở đào tạo dạy nghề.

Tuy nhiên, đến nay, SV các tỉnh vẫn đang còn “khát” vốn để đóng học phí cho học kỳ 2 là do thiếu vốn. Ông Võ Minh Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH phụ trách khu vực phía Nam cho biết: “Vừa qua, Ngân hàng CSXH đã nhận được hơn 1.000 tỷ đồng vốn, nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu cần 6.500 tỷ đồng để cho SV vay vốn. Mới đây Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Ngân hàng CSXH đã bàn cách tháo gỡ và đã chuyển đến các tỉnh 1.500 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ cho SV vay vốn. Hy vọng, trong thời gian tới, SV sẽ nhận được vốn đầy đủ”.

Minh Ngọc - Quy Hiếu

Tin cùng chuyên mục