Giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi chậm “đáng báo động”

Sáng 26-6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự lo ngại và là “đáng báo động” khi giải ngân chậm nguồn vốn này và từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.

Cụ thể, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số giao từ dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 là 244.000 tỷ đồng, số còn lại chưa giao hơn 115.000 tỷ động và chỉ tương đương gần 70% kế hoạch điều chỉnh cả giải đoạn.

Năm 2016, dự toán Quốc hội giao là 50.000 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ được 42.000 tỷ đồng, đạt 81%; năm 2017 dự toán 74.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng, đạt 74% dự toán; năm 2018, dự toán là 60.000 tỷ đồng, giải ngân 32.000 tỷ đồng giải ngân 53%. Lũy kế hết tháng 5, chưa giải ngân so với kế hoạch ban đầu 166.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân được Bộ Tài chính xác định liên quan đến pháp luật về ngân sách, nợ công, đầu tư công; tiến độ giao vốn chậm và thiếu điều chỉnh (điều chỉnh dự toán chậm và không kịp thời làm dự án chậm tiến độ mà vẫn không giải ngân được, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM); quy trình thủ, tục giải phóng mặt bằng, năng lực chủ dự án…

“Nếu không có sự chung tay của các bộ ngành, chủ dự án, nhà tài trợ thì khó có thể giải ngân đạt tiến độ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đi vào cụ thể, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ước lũy kế giải ngân vốn nước ngoài 6 tháng cho cấp phát đầu tư phát triển là 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao; chi thường xuyên 833 tỷ đồng, đạt 17,85%.... Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 26 khoản vay với tổng giá trị hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư công năm 2019 phân bổ chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều bộ, ngành, địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019, nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34.000 tỷ đồng.

Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ vẫn còn tồn tại, cá biệt có một số dự án đã hết thời gian giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn như dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh ở Thanh Hóa…

Cùng với đó, việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý phức tạp, ví dụ như: dự án nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long, dự án phát triển đô thị loại vừa vay vốn của Ngân hàng Thế giới, dự án đường hành lang ven biển phía Nam…

Một vướng mắc khác, theo ông Long, đó là về thủ tục đầu tư. Mọi thay đổi về quy mô, phạm vi, nội dung và sử dụng vốn dư đều cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Số dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư nửa đầu năm 2019 là 26 chương trình, dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD, trong đó có 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vào giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đang đình trệ.

Nhằm đảm bảo tiến độ dự án thực hiện theo đúng các hiệp định vay đã ký kết nhằm sớm đưa vào khai thác sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán, khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền sớm bố trí đầy đủ vốn ODA trung hạn và hàng năm.

Giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi chậm “đáng báo động” ảnh 1 Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là 1 trong 3 dự án mà đại diện UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận tạm ứng vốn ngân sách để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu và thành phố sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng theo quy định
Về cụ thể, theo đại diện UBND TPHCM, vừa qua, thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận tạm ứng vốn ngân sách với 3 dự án: đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 2; và dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu và thành phố sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng theo quy định. Trong trường hợp ngân sách trung ương chưa thể xem xét, tạm ứng kịp thời thì kiến nghị chấp thuận cho TPHCM được tạm ứng từ ngân sách thành phố để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục