Giải pháp nào để “cứu” doanh nghiệp nhỏ?

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), như giảm thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng, chi an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng..., tổng số tiền tương đương 4,3% GDP. 

Thế nhưng, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), gói kích thích hiện nay chỉ tác động có giới hạn đối với DN khó khăn, các DN nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Dưới đây là ý kiến các DN và chuyên gia về vấn đề này.

Giải pháp nào để “cứu” doanh nghiệp nhỏ? ảnh 1 Công nhân Công ty cổ phần Thủy đặc sản Seaspimex phải làm tăng ca để đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong mùa dịch

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM: Dùng chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Covid-19 gây ra cú sốc ở cả 2 phía cung và cầu. Do đó, các giải pháp hỗ trợ cần lấy chính sách tài khóa làm chủ lực, phối hợp với chính sách tiền tệ, gồm hỗ trợ tức thời và giải pháp cho trung hạn. Phần lớn những chính sách hiện nay chỉ giúp làm chậm hoặc giảm dòng tiền ra của DN, nên sắp tới cần phải có các hỗ trợ giúp DN tăng dòng tiền vào. 

DN nhỏ và vừa bị tổn thương nặng từ Covid-19, khả năng tự hồi phục kém nên rất khó đủ điều kiện vay ngân hàng, kể cả khi lãi suất giảm mạnh. Chính phủ cần cân nhắc thiết lập quỹ bảo lãnh tín dụng và bảo lãnh có chọn lọc cho các DN thuộc những ngành mà đầu ra của sản phẩm ổn định, có tốc độ phục hồi tốt, đảm bảo không sa thải lao động. Đề xuất sửa luật để cho phép DN chuyển lỗ về 1-2 năm trước (2019, 2018), nhằm giúp DN nhận được dòng tiền thực thông qua hoàn thuế. Khi áp dụng quy định này, cần đứng trên góc độ pháp nhân tại thời điểm hoàn thuế chứ không nên phân tích theo góc nhìn cấu trúc cổ đông của thời điểm quá khứ. 

Trong giai đoạn này, đầu tư công vẫn là yếu tố chủ lực để tạo tác động lan tỏa vực dậy nền kinh tế, vì vậy trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 cần bố trí khoản mục chi tái thiết kinh tế dưới hình thức “Chi đầu tư phát triển”, đi kèm với ràng buộc kỷ luật tài khóa tổng thể. Khả năng của ngân sách hạn chế nên Chính phủ có thể cân nhắc tăng nợ vay để tạo nguồn cho đầu tư công và hỗ trợ dòng tiền cho DN. 

Ông VÕ QUỐC THẮNG -Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm - Long An: Cần giảm lãi suất vay hơn giảm thuế

Vì không ai lường được khi nào dịch chấm dứt nên người dân gửi tiền vào ngân hàng chỉ gửi ngắn hạn, không gửi dài hạn, từ đó dòng tiền cho DN vay dài hạn cũng giảm dần. Trong khi dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, kinh tế ít nhất phải 2 năm mới phục hồi, do vậy Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét làm sao bơm tiền, giảm áp lực huy động để DN tiếp cận được vốn vay. 

Thực tế, gói 300.000 tỷ đồng DN không vay được bao nhiêu. Cái khó nhất của DN nhỏ và vừa hiện nay là không tiếp cận được nguồn vốn vì lãi suất quá cao. Dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn xã hội, nên cần chung tay chia sẻ khó khăn. Ví dụ, nếu DN phải trả lãi vay 10 triệu đồng thì làm sao để giảm còn 5 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 2,5 triệu đồng và ngân hàng cần cắt giảm lợi nhuận để giảm 2,5 triệu đồng. Như vậy mới tác động trực tiếp lên DN. Bởi các chính sách miễn, giảm thuế thì không giúp được DN khó khăn, do DN đã lỗ thì không nộp thuế nên không cần chính sách miễn giảm thuế. 

Ông TRẦN VIỆT ANH - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM: Mùa dịch cũng là cơ hội, nhưng thiếu tiền để nắm bắt

Dịch bệnh gây khó khăn cho xã hội nhưng lại là cơ hội cho một số DN ngành nhựa, đặc biệt là DN sản xuất khẩu trang. Giá vốn để sản xuất một thùng khẩu trang y tế là 700.000 đồng, trong khi giá bán theo quy định là 1 triệu đồng, giá xuất khẩu là 17 triệu đồng. Đấy là cơ hội tốt, nhưng các DN sản xuất khẩu trang xuất khẩu vẫn không vận hành hết công suất, chưa tận dụng được cơ hội, vì đa phần chỉ là DN nhỏ và vừa, thiếu tiền mua nguyên liệu, đầu tư thêm máy móc.

Vừa qua, giá dầu xuống thấp làm giá hạt nhựa giảm sâu, giảm đến một nửa, nhưng DN lại không có tiền để tích trữ nguyên liệu, dù biết chắc giá hạt nhựa sẽ tăng lại sau khủng hoảng. DN rất cần tiền để nắm bắt cơ hội, nhưng lại không được ngân hàng hỗ trợ. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho DN nhựa - ngành bao gồm 7.000 DN tư nhân, không có DN nhà nước. 

Bà ĐINH HÀ DUY TRINH - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty HPT: Chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội

Chuyển đổi số rất quan trọng trong thời điểm đại dịch. Có thể thấy rõ nhất hiệu quả của chuyển đổi số là các DN, cơ quan, đơn vị đã chuyển đổi mô hình làm việc trực tiếp (offline) sang làm việc qua mạng (online). Đây là thời điểm để DN Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển công nghệ 4.0 của thế giới. Để làm được điều đó, DN cần được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Và để thực hiện công nghệ tài chính (Fintech) hiệu quả, Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý đi vào thực tiễn.

Các hoạt động thanh toán trực tiếp cần có quy định dài hạn, có chính sách quản lý hiệu quả; nếu không, các DN trong nước phải đầu tư lớn và cạnh tranh khó khăn, trong khi các DN nước ngoài “tấn công” vào mà Nhà nước không quản lý được. Chẳng hạn như cổng thanh toán Alipay của Alibaba (Trung Quốc) hoạt động tại Việt Nam lâu nay, nhưng Nhà nước hiện chưa thu được phí.

Tin cùng chuyên mục