Đến năm 2015, TPHCM sẽ chấm dứt nạn lang thang, ăn xin là nội dung dự thảo mà tới đây Sở LĐTB-XH sẽ trình UBND TP. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý trực tiếp địa bàn cho rằng, để đạt được mục tiêu này, TP cần có nhiều giải pháp mới, thay vì quanh quẩn như hiện nay.
* Bà Ngô Mai Hoàng Yến, Chủ tịch UBND phường 15, quận 5: Mới làm phần ngọn
Ở TPHCM, tình trạng trẻ em, người lớn tuổi lang thang, xin ăn trở thành vấn nạn tồn tại dai dẳng lâu nay dần làm mất đi nét văn minh của TP. Với phường 15, quận 5, việc ngăn chặn nạn lang thang, ăn xin được triển khai liên tục từ trước đến nay. Xác định các “điểm nóng” như: chợ Hà Tôn Quyền, một số chốt giao lộ trên đường Hồng Bàng… thường có các đối tượng giả người khuyết tật, bệnh tật “lăn – lê – bò – lết” giữa đường xin tiền, ngoài việc cử cán bộ văn hóa, công an túc trực theo dõi, phường còn cài “chân rết” tại chỗ để kịp thời báo phường xử lý khi có người ăn xin. Sau khi tập trung các đối tượng lang thang, ăn xin, người không có giấy tờ tùy thân, phường sẽ làm thủ tục chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội TP để có hướng xử lý tiếp.
Thực tế, nhiều năm qua, phường làm rất quyết liệt, từ theo dõi đến tổ chức ra quân tập trung. Tuy nhiên, tình trạng người lang thang ăn xin không giảm mà tăng, thậm chí còn biến tướng, hoạt động phức tạp hơn. Đáng nói nhất là có nhiều trường hợp người ăn xin từng bị địa phương chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội, một thời gian lại xuất hiện trở lại.
Điều này cho thấy việc ngăn chặn người lang thang, ăn xin của chúng ta hiện nay mới chỉ ở phần ngọn, như một cái vòng quanh quẩn “tập trung đưa vào trung tâm bảo trợ - trả về gia đình lại tập trung đưa vào trung tâm”. Để triệt được tận gốc nạn lang thang, ăn xin, TP cần có giải pháp căn cơ, vừa mang tính xã hội vừa có tính kỷ cương nhằm răn đe, chứ không chỉ có đẩy đuổi như hiện nay.
* Trung tá Nguyễn Bá Ưu, Phó Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp – Công an quận Gò Vấp: Chỉ phạt hành chính, khó dẹp triệt để
Hầu hết những đối tượng ăn xin hiện nay là trẻ em, người già đều dưới tay những kẻ “chăn dắt”. Do đó, thời gian qua, Công an quận Gò Vấp đã phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan báo chí, phòng lao động xã hội quận… theo dõi bắt những đối tượng cầm đầu. Tuy nhiên, việc xử lý những đối tượng này chỉ dừng lại ở chỗ xử phạt hành chính, trả về địa phương, được một thời gian họ lại “hành nghề” trở lại. Do đó, một trong những biện pháp cần hiện nay là phải phạt nặng những đối tượng dẫn dắt ăn xin, hành nghề ăn xin để tạo tính răn đe.
Mặt khác, ở TPHCM các đối tượng ăn xin tạm trú, hoạt động luân chuyển khu vực do đó các cấp ngành, chính quyền địa phương khi tổ chức tập trung người ăn xin cần làm đồng bộ, quyết liệt, tránh “bắt cóc bỏ dĩa”. Thành phố cũng cần phối hợp với các tỉnh, địa phương có người ăn xin triển khai quản lý chặt chẽ những đối tượng ăn xin từng bị ngành chức năng trả về địa phương. Làm được như thế, mục tiêu đến năm 2015, TPHCM chấm dứt tình trạng lang thang, ăn xin mới có thể thành hiện thực.
* Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận: Nên ủng hộ vào các quỹ từ thiện
Tình trạng lang thang, ăn xin ở TPHCM hiện đang biến tướng dưới nhiều dạng. Nhiều trường hợp còn giả sư khất thực, lợi dụng lòng nhân ái của mọi người để xin được nhiều tiền hơn. Biết được điều này, phường quán triệt các bộ phận đoàn thể, khi phát hiện người lang thang, xin ăn trên địa bàn phải đưa về phường. Ngoài việc tăng cường tập trung, phường còn yêu cầu công an phường thắt chặt công tác quản lý về tạm trú tạm vắng để kịp thời ngăn chặn các đối tượng ở trọ hành nghề ăn xin.
Đặc biệt, phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động người dân nên làm từ thiện đúng chỗ, muốn làm từ thiện hãy đưa tiền vào quỹ từ thiện của Trung tâm Bảo trợ xã hội TP, bởi những người cơ nhỡ, hoàn cảnh nghèo khó đều được tập trung về trung tâm để chăm sóc. Và như thế, khi không xin được tiền, người lang thang, người ăn xin ắt sẽ tự bỏ “hành nghề”.
TUẤN VŨ