Giải quyết ùn tắc giao thông tại TPHCM: Phân quyền mạnh

Giải quyết ùn tắc giao thông tại TPHCM: Phân quyền mạnh

LTS: Ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề người dân TPHCM còn nhiều bức xúc, kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn để giải quyết. Đây cũng là một trong 7 chương trình đột phá được Đảng bộ TPHCM khóa X đề ra thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết hiến kế giải pháp cho thực trạng giao thông của TPHCM hiện nay của đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân - người có nhiều tâm huyết đối với ngành giao thông thành phố.

Vấn đề ùn tắc giao thông là mặt trái của sự phát triển đô thị. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn với số vụ ùn tắc ngày càng dài, làm tăng chi phí xã hội, giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng các mâu thuẫn trong xã hội, làm giảm mức độ hài lòng và tin tưởng của người dân.

Dòng xe nhúc nhích di chuyển trên đường Cộng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Có thể thấy, việc tập trung đầu tư vào hạ tầng, mở thêm đường và cầu có phí tổn rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế. Do vậy cần phải đổi mới trong cách nhìn nhận vấn đề và điều chỉnh trọng tâm đầu tư để tăng hiệu quả của các giải pháp.

Biện pháp cần phải triển khai ngay là các giải pháp tổ chức giao thông bao gồm: Tổ chức làn sóng xanh trên các tuyến huyết mạch để tăng tốc độ lưu thông; mở rộng việc tổ chức giao thông một chiều trong các tuyến trung tâm thành phố; thu phí đậu xe trên lòng đường theo thời gian, đậu càng lâu trả phí càng nhiều; xây dựng trung tâm điều khiển giao thông kết hợp đo đếm và hiển thị tình trạng giao thông trên bản đồ số để người dân có thể lựa chọn lộ trình và thời gian di chuyển hợp lý… Các biện pháp này tuy có ảnh hưởng trong phạm vi từng khu vực, nhưng có chi phí đầu tư thấp, thời gian triển khai nhanh, hiệu quả cao và dễ được người dân đồng thuận.

Biện pháp trung hạn cần triển khai là phát triển giao thông công cộng. Việc này cần chi phí đầu tư lớn, nhưng khi tổ chức tốt sẽ giảm chi phí đi lại của người dân, gián tiếp làm tăng năng suất và giảm bất bình đẳng xã hội. Để đầu tư hiệu quả cho hệ thống giao thông công cộng, chúng ta cần phải triển khai đồng thời 2 giải pháp. Trong đó, cần thay đổi hình thức trợ giá từ gián tiếp như hiện nay (trợ giá cho người vận chuyển) sang trợ giá trực tiếp cho hành khách. Biện pháp là cần triển khai công nghệ thu phí xe buýt, xe điện ngầm hiện đại, có thể giảm giá cho hành khách đi thường xuyên và di chuyển khoảng đường xa qua nhiều tuyến. Cùng với đó, tiến hành các biện pháp hạn chế xe cá nhân, trước mắt là ô tô vốn chiếm đến 80% diện tích mặt đường nhưng chỉ đảm trách được 20% chuyến đi. Biện pháp thu phí chống ùn tắc trên ô tô cho những khu vực, tuyến đường có kẹt xe là giải pháp hữu hiệu vừa để giảm ngay ùn tắc, vừa tạo nguồn thu để hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng.

Việc đầu tư hạ tầng vẫn cần triển khai trong dài hạn. Do số vốn cần thiết rất lớn, chúng ta cần kết hợp 2 biện pháp chính như sau: Tăng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển, trong đó chủ đạo là đầu tư cho hạ tầng giao thông. TPHCM hiện là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, nhưng tỷ lệ thu ngân sách để lại cho thành phố rất thấp (23%) là bất hợp lý. Tỷ lệ để lại này cần được tăng lên trên 30%, tương ứng với mức đóng góp về GDP của thành phố, để TPHCM có nguồn đầu tư cho cho giao thông. Trong lĩnh vực đầu tư, TPHCM cần tập trung vào các dự án có hiệu quả cao, tránh đầu tư dàn trải.

Có một thực tế là hiện nay do biến  đổi khí hậu, các khu vực phía Đông và Nam của thành phố sẽ có khả năng bị ngập cao nên việc đầu tư hạ tầng vào khu vực này có chi phí cao nhưng hiệu quả hạn chế. Do vậy, chúng ta nên tập trung vào các dự án giao thông khu vực phía Bắc và phía Tây, có địa hình cao và mật độ dân số ngày càng đông. Cần lưu ý, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng tại các cửa ngõ phía Bắc và phía Tây thành phố phản ánh xu hướng phát triển dân cư tự phát tại khu vực này, do vậy rất cần tập trung giải quyết trước.

Cuối cùng, chúng ta cần phải có những cơ quan được phân quyền mạnh để tập trung giải quyết nhanh dứt điểm từng vấn đề của giao thông đô thị. Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ là một cơ quan ngang cấp quận huyện thì không thể giải quyết được ùn tắc dưới lòng đường khi việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xảy ra một cách tràn lan, công khai mà các địa phương không chung tay giải quyết. Tương tự, các dự án giao thông, môi trường đô thị không thể triển khai nhanh nếu việc giải tỏa đền bù chậm, vừa làm tăng chi phí đầu tư do chậm tiến độ, vừa làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực có công trình càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hàng triệu người dân thành phố.

LÂM THIẾU QUÂN
(Đại biểu HĐND TPHCM)

Tin cùng chuyên mục