Theo đó, HĐND tỉnh này đồng ý giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8-5 đến ngày 31-7. Tùy thuộc vào tình hình khôi phục của thị trường khách du lịch, các tháng còn lại năm 2020 tiếp tục thực hiện kích cầu bằng việc giảm phí tham quan các điểm di tích nhưng không quá 50%.
Ngoài ra, thực hiện chính sách giảm trừ phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế nhằm kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên - Huế; xây dựng và triển khai gói kích cầu của các doanh nghiệp, kết hợp với gói kích cầu của chính quyền.
Tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc vào cuối tháng 5-2020 để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch và công bố các gói kích cầu của tỉnh tại hội nghị gắn với giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương…; kết nối với Đà Nẵng và Quảng Nam để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi liên kết.
Tập trung quảng bá những sản phẩm dịch vụ chiến lược như: Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài, Festival 4 mùa, Festival Huế 2020 kết hợp với giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn gồm: du lịch y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác du lịch biển, đầm phá, suối...
Trong khi theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngay từ đầu năm 2020, ngành du lịch địa phương này đã triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã được đề ra. Kết quả đạt được trong tháng 1-2020 hết sức tích cực, các chỉ tiêu du lịch đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó lượng khách đến tăng 22,07% (khách quốc tế tăng 33,65%), doanh thu du lịch tăng 14,89%...
Tuy nhiên, những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh; nhiều công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... tạm dừng hoạt động; một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, không có thu nhập...