Giám đốc Công an TPHCM: Không đùn đẩy, không chỉ người dân đi đầu này đầu nọ để báo án

Sáng 9-12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM khẳng định: khi người dân báo tin các vụ việc, vụ án thì trách nhiệm của nơi người dân đến báo là phải tiếp nhận ngay, không phân biệt địa bàn, không đùn đẩy, không chỉ người dân đi đầu này đầu nọ báo án.

Về tình hình chung, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, phạm pháp hình sự trên địa bàn TPHCM trong năm 2019 được kéo giảm 8,5%; tỷ lệ phá án đạt 76,9%; tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm hơn 92% và phá nhiều vụ án ma tuý rất lớn; tai nạn giao thông kéo giảm cả 3 mặt… Tuy nhiên, Công an TPHCM nhận thức rằng, lực lượng Công an TPHCM cũng phải tiếp tục làm tốt hơn nữa để giữ yên bình cho thành phố.

Người dân mắc lừa các “dự án ma” vì cứ tin đó là thật

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo chất vấn, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp mà người vi phạm có khi lại là người có tri thức cao, có địa vị xã hội. Ngành công an có giải pháp như thế nào để giảm các vụ trẻ em bị xâm hại?
Giám đốc Công an TPHCM: Không đùn đẩy, không chỉ người dân đi đầu này đầu nọ để báo án ảnh 1 Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM trả lời, về xâm hại trẻ em, Công an TPHCM đang có chuyên đề công tác về lĩnh vực này. Năm 2019, số vụ xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với năm 2018, xảy ra chủ yếu ở địa bàn vắng, khu vực ngoại thành, ở khách sạn, nhà trọ.Trong năm nay, kết quả xử lý cũng nhiều vụ hơn năm 2018. Công an TPHCM khởi tố 52 vụ (với 44 bị can).
Các giải pháp để ngăn ngừa xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, Công an TPHCM đã quán triệt chuyên đề cho cán bộ - chiến sĩ để có biện pháp phòng ngừa. Khi tiếp nhận tin báo tố giác xâm hại trẻ em, các đơn vị được yêu cầu phải nhanh chóng tiếp nhận, xử lý; bố trí nơi làm việc riêng để các cháu trong trạng thái chấn động mạnh về tinh thần, có thể bình tâm, phục hồi.
Qua phân tích địa điểm xảy ra các vụ xâm hại cho thấy, việc phòng ngừa, quản lý chăm sóc trẻ em trong cộng đồng còn sơ hở, vì thế mới dẫn đến các vụ xâm hại. Trong khi đó, Luật Trẻ em có quy định hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Theo luật, hành vi bỏ rơi là hành vi của cha mẹ và người có nghĩa vụ chăm sóc đã không thực hiện đầy đủ chăm sóc các em. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta quy định cụ thể trẻ em ở tuổi nào trở xuống thì khi đi đứng phải có cha mẹ, người chăm sóc đi kèm. Ở nước ta thì chưa. Vì thế, quy định trách nhiệm cho cha mẹ, người chăm sóc cho thật cụ thể trong quy phạm pháp luật cũng là giải pháp rất căn cơ để bảo vệ các cháu khỏi sự xâm phạm. Ngoài ra, biện pháp giáo dục kỹ năng tự vệ, tự phòng cho các cháu là rất cần thiết.
Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cũng nêu câu hỏi, chung cư phát triển nhiều, nhưng công tác quản lý chung cư lỏng lẻo, có tình trạng biến chung cư làm nơi trú ngụ hoạt động phạm tội cờ bạc, cá độ bóng đá hoặc tội phạm về ma tuý. Giải pháp của Công an TPHCM?

Về quản lý lưu trú ở các chung cư cao cấp, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã có giải pháp phối hợp với quản lý chung cư để nắm hộ và người cư trú. Công an TPHCM thông qua quản lý hành chính và công tác nghiệp vụ khác để phát hiện đối tượng vi phạm. Công an TPHCM cũng mong sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng bào cử tri, hỗ trợ lực lượng công an phát hiện dấu hiệu nghi vấn tại các khu vực này, để phòng ngừa, tránh các việc lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo nêu 2 câu hỏi chất vấn, Công an TPHCM lập lực lượng tuần tra 363. Hiện nay, trung tâm TPHCM có đối tượng ăn mặc sang trọng, chạy xe máy xịn để cướp giật đồ của khách. Vậy lực lượng này có được xử lý hay không?

Về dự án "ma", cử tri bức xúc về Công ty Đông Hưng TTT (trụ sở tại quận Bình Thạnh) không có dự án bất động sản tại quận Thủ Đức nhưng vẫn lừa đảo, chào bán đất nền. Có trường hợp đóng 95% giá trị hợp đồng nhưng công ty không ký hợp đồng công chứng sang tên nền đất cho khách hàng. Vụ việc rất rõ ràng và xảy ra cả năm qua, tại sao Công an TPHCM không khởi tố vụ án?

Trung tướng Lê Đông Phong trả lời: Mô hình mới của Công an TPHCM chỉ tổ chức cảnh sát hình sự đặc nhiệm ở cấp TP và quận, huyện. Trong hoạt động, cảnh sát hình sự đặc nhiệm có vai trò quan trọng, phát huy hiệu quả trong phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy, công tác nghiệp vụ của cảnh sát hình sự phải có chiều sâu hơn: chủ động nắm tình hình và trong hoạt động của mình trên địa bàn công cộng, phải định hướng trước được đối tượng để từ đó ngăn chặn. Còn nếu tuần tra không có mục tiêu thì không khác gì cảnh sát cơ động và lãng phí lực lượng. Vì thế, Công an TPHCM đang chấn chỉnh.  

Về tổ công tác 363, đây là giải pháp hỗ trợ tăng thêm cho tuần tra kiểm soát. Đây là lực lượng hỗn hợp, và lực lượng 363 đã phát huy được hiệu quả, góp phần ngăn ngừa, kéo giảm tội phạm. Tội phạm cướp giật thường nhức nhối, nhưng năm nay, đã kéo giảm hơn 10%. Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ tự mãn trước các kết quả thống kê, mà tiếp tục cố gắng, tạo môi trường an lành cho người dân và du khách đến TPHCM.

Liên quan đến lừa đảo thông qua bán đất nền, Công an TPHCM tăng cường trách nhiệm trong nắm tình hình và phối hợp với ngành chức năng để nắm được chức năng và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp hoạt động bất động sản. Một mặt khác, cần thông tin đầy đủ đến người dân để hiểu được thông tin thật về các dự án. Chẳng hạn, vụ Alibaba, đất ở đâu mà cũng không biết là có dự án hay không có dự án, nhưng cứ quảng cáo rầm rộ và bao nhiêu người mắc lừa. Khó khăn lắm, Công an TPHCM mới khởi tố vụ án và xử lý được đối tượng. Ban đầu, chỉ có 2 người tố cáo. Còn đa số, người ta vẫn hy vọng đó là sự thật, vì người ta thiếu thông tin. Nên cơ quan chức năng cần thông tin tới người dân: khi tham gia giao dịch, cần tìm hiểu kỹ. Bộ Luật Dân sự quy định, khi tham gia giao dịch, người dân có nghĩa vụ phải tìm hiểu tính xác thực của giao dịch đó. Đó là trách nhiệm 2 bên. Trong vụ Alibaba, nhiều người bị lừa bởi hấp dẫn lãi suất được hứa hẹn mà không có căn cứ gì để cho thấy niềm tin lãi suất đó là sự thật.

Doanh nghiệp đòi nợ thuê thường có đối tượng xấu "ẩn" trong đó

Năm 2019, Công an TPHCM phá nhiều vụ án ma túy lớn, nhưng tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn phổ biến ở các quán bar, nhà hàng, vũ trường. Nên chăng, TPHCM có giải pháp gắn camera tại các điểm này để quản lý, giám sát hiệu quả hơn? Giải pháp quản lý địa bàn? Về người nghiện ma túy, TPHCM quản lý chưa đến 50% người nghiện thực tế, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vậy TPHCM có giải pháp gì trong quản lý và cai nghiện? Thực tế, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không hiệu quả, tái nghiện rất cao. Đại biểu Nguyễn Thị Nga đưa ra 2 vấn đề.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM: Về ma túy, Công an TPHCM có đề xuất giải pháp, trong đó có vấn đề nhận thức lại vai trò, vị trí người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy. Vì chúng ta không thể nhận thức người nghiện ma túy như là một đối tượng bị tác động thụ động bởi người buôn bán ma túy. Mà trong quan hệ cung ứng, người bán – người mua là quan hệ tương tác hai chiều. Từng có giai đoạn, TPHCM đưa đi cai nghiện tập trung, và điều này giải quyết rất căn bản việc phát sinh các loại tội phạm khác và tình trạng buôn bán ma túy trên địa bàn cũng giảm.

Về người nghiện ma túy, tôi đồng tình với nhận xét của ĐB là chúng ta thống kê chưa đầy đủ. Đây là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, trách nhiệm quản lý cộng đồng. Làm sao phát hiện được đầy đủ, nhìn nhận khách quan và đúng thực tế, vì việc nghiện ma túy, sử dụng ma túy có yếu tố xã hội lớn. Thường trong một nhóm có quan hệ thân thích, một nhóm bạn chơi với nhau, một vài người sử dụng ma túy thì cả nhóm sử dụng. Người sử dụng ma túy cũng là tác nhân để phát sinh người nghiện ma túy. Có khi người sử dụng ma túy cũng đồng thời là người cung cấp ma túy - cũng phạm tội tàng trữ, mua bán. Cần nhìn nhận như vậy để đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn.

Cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả ra sao? Tôi không phản đối cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nhưng tôi đề nghị cần có chuyên đề giám sát về hiệu quả của biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, để nhìn nhận xác thực hơn, đánh giá đúng thực trạng của giải pháp đang áp dụng. Từ đó, có kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, xem lại việc phân công, trách nhiệm trong cai nghiện tại cộng đồng. Có như thế, mới ngăn ngừa, giúp họ cai nghiện, từ bỏ ma túy; giúp kéo giảm tình hình sử dụng ma túy. Bởi việc sử dụng ma túy cũng là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác.

Về quản lý vũ trường, quán bar, karaoke, lãnh đạo TPHCM cũng đã cho thí điểm lắp camera ở quận 1, quận 3 trong quán bar, vũ trường để giám sát việc sinh hoạt trong các cơ sở này. Các quán bar, karaoke, vũ trường, căn hộ cao cấp cũng thường bị lợi dụng để tổ chức sử dụng ma túy nên phải tăng cường các giải pháp kiểm tra, quản lý. Công an TPHCM đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý nhiều vụ. Có trường hợp đã xử lý hình sự tội chứa chấp sử dụng ma túy, chứ không chỉ xử lý hành chính hành vi sử dụng ma túy.

Liên quan đến tình trạng “tín dụng đen” hoành hành, nhưng các vụ khủng bố tinh thần, tạt chất bẩn vào nhà con nợ không được xử lý nghiêm, bởi ranh giới xử lý hình sự, hành chính. Hơn nữa, nhiều con nợ không dám tố cáo vì vụ việc ít được đi đến tận cùng. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đưa ra câu hỏi: Khó khăn lớn nhất của Công an TPHCM trong xử lý “tín dụng đen” và giải pháp của Công an TPHCM?

Giám đốc Công an TPHCM: Không đùn đẩy, không chỉ người dân đi đầu này đầu nọ để báo án ảnh 2 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết: Trong tín dụng đen, năm nay, TPHCM còn 51 nhóm với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. So với năm 2018 là 94 nhóm và 383 đối tượng thì số nhóm, số đối tượng đã giảm. Năm 2018 không xử lý hình sự được vụ nào, năm nay thành phố khởi tố được 9 vụ với 31 đối tượng và tính chung, xử lý 38 nhóm và 168 đối tượng. Công an TPHCM xác định hành vi này là hành vi trái pháp luật. Nhưng quy định của pháp luật để xử lý được cho vay nặng lãi, mặc dù đã có cụ thể hơn song vẫn còn khó khăn trong chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý hình sự.

Còn các hành vi đe dọa, hăm dọa, tạt chất bẩn… năm nay cũng hạn chế bớt được một số vụ, không rộ lên như năm 2018. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Công an TPHCM quán triệt công an cơ sở phải chủ động phát hiện ngay từ đầu, ngăn chặn, không để xảy ra hành vi xâm phạm trật tự an toàn công cộng, xâm phạm an toàn người đang bị đòi nợ.

Còn vấn đề rất căn bản - chúng tôi có kiến nghị và UBND TPHCM đã có kiến nghị Chính phủ - là không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Vì theo quy định, đây là dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch bình thường, nhưng thực tế, những doanh nghiệp đòi nợ thuê lại thường có đối tượng xấu “ẩn” trong đó. Cách thức đòi nợ thuê lại thường khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho người bị đòi nợ và ảnh hưởng an ninh trật tự. Nên quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê. Và Công an TPHCM phải nắm các dấu hiệu đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng dưới mọi hình thức.

Hành vi cho vay lãi nặng trước đây rất khó chứng minh, phải bằng bao nhiêu % lãi suất ngân hàng, phải chứng minh người cho vay chỉ sống bằng nghề cho vay lãi cao. Hiện nay, quy định có dễ hơn, chỉ cần chứng minh lãi suất ở mức nào đó là có cơ sở xử lý, không cần phải chứng minh người cho vay sống bằng nghề cho vay lãi cao. Về nhu cầu cho vay rất đa dạng, nhưng trong tín dụng đen, nhu cầu không chính đáng cũng rất nhiều. Nên các cơ quan, ban ngành, chính quyền cơ sở tiếp cận với các tầng lớp, với những người gặp nhu cầu khó khăn, cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ vay các nguồn hỗ trợ, ưu đãi, hỗ trợ lẫn nhau, giúp họ bớt sa vào bẫy tín dụng đen.

 Xử lý nghiêm công an không tiếp nhận, xử lý tin báo của người dân

Theo ĐB Diệp Hồng Di, tội phạm trộm cắp chiếm đa số trong cơ cấu phạm pháp hình sự. Trong đó có nguyên nhân tuần tra khép kín địa bàn chưa đạt yêu cầu, thiếu cảnh sát khu vực trên địa bàn dân cư. Một cảnh sát khu vực phải kiêm nhiều ô khu dân cư. Người dân đều mong mỏi có sự hiện diện của cảnh sát khu vực kịp thời, vậy giải pháp của Công an TPHCM?

Trung tướng Lê Đông Phong Giám đốc Công an TPHCM nêu: Công an TPHCM chỉ bố trí lực lượng ở cấp thành phố là 31%, còn lại là đưa xuống cơ sở. Giải pháp là điều tiết trong nội bộ lực lượng để làm sao địa bàn phường loại 1 (phức tạp về an ninh trật tự) thì không thiếu cảnh sát khu vực. Còn vấn đề kiêm nhiệm ô, thì với các ô không phức tạp, có thể kiêm nhiệm được, để khắc phục thiếu. Bên cạnh đó, Công an TPHCM tiếp tục khắc phục theo hướng không để thiếu, nhất là ở khu vực phức tạp. Công an TPHCM tiếp tục thực hiện chủ trương đưa công an chính quy xuống các xã. Đến nay, 58 xã đều có công an chính quy, đây là giải pháp để tăng hiệu quả cho cơ sở. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng căng kéo ở chỗ, lực lượng điều tra cũng thiếu, đụng đến lực lượng nào thì thiếu lực lượng đó. Vì thế, giải pháp vẫn là bố trí, sắp xếp  lực lượng sao cho đáp ứng yêu cầu.

ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đưa ra thông tin tỷ lệ phá án của Công an TPHCM năm 2019 là gần 77%, xử lý tin báo tố giác tội phạm đạt hơn 92%. Tuy nhiên, trong 3.364 vụ phạm pháp hình sự xảy ra, công an mới khám khá được 2.533 vụ, vẫn còn khoảng 800 vụ án chưa phá, cộng với tin báo tố giác tội phạm chưa xử lý và các đối tượng phạm tội cơ hội - không biết lúc nào bất thình lình gây án. Công an TPHCM làm thế nào để người dân có tết an lành?

Giám đốc Công an TPHCM cho biết: Mặc dù tỷ lệ phá án vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 75%), xử lý tin báo tố giác (90%), nhưng mình không tự mãn được. Vì phạm tội do nhiều nguyên nhân, tác nhân khác nhau nên thường phức tạp, nên Công an TPHCM cần nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả, năng lực của lực lượng chuyên trách và cơ sở. Qua thống kế, 70% các vụ giết người có nguyên nhân tự phát có yếu tố xã hội: do mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn nợ nần, tình cảm nam nữ... Vì thế, trong phòng ngừa, cùng với trách nhiệm của công an thì lực lượng chính trị cơ sở rất quan trọng, hòa giải ở cơ sở rất quan trọng. Nếu kéo giảm tội phạm do nguyên nhân xã hội, thì số vụ gây thương tích, giết người do bộc phát sẽ giảm.

ĐB Nguyễn Thị Như Ý nói nhiều cử tri phản ánh vẫn còn tình trạng người dân báo tin vụ án, vụ việc ở địa bàn giáp ranh nhưng không được công an xử lý. Các giải pháp xử lý với các trường hợp này?

Trong tiếp nhận tin báo, Công an TPHCM quy định cứ người dân đến báo tin ở đâu thì nơi đó phải ghi nhận; còn thuộc trách nhiệm của ai thì phối hợp xử lý, không đùn đẩy, không chỉ người dân đi đầu này đầu nọ báo án. Chúng tôi sẽ rà soát lại trong việc tiếp nhận tin báo mà quần chúng đã báo tới cơ quan công an.

Công an tổ chức theo cấp hành chính, nhưng việc quản lý theo cấp hành chính và phân công địa bàn không có nghĩa là chia cắt. Mà Công an TPHCM có quy chế phối hợp và nguyên tắc: ai phát hiện, người đó phải theo cuối cùng. Tôi đề nghị các ban, ngành, người dân nếu phát hiện trường hợp nào không nghiêm túc xử lý tin báo của người dân thì báo lại Công an TPHCM để chúng tôi xử lý nghiêm cán bộ vi phạm quy trình, quy chế công tác, Giám đốc Công an TPHCM phát biểu.

Tin cùng chuyên mục