Phản hồi sau loạt bài về hai mô hình nhà trường mới

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh: Vừa học, vừa làm, không thể hoàn hảo...!

Rút kinh nghiệm: Nhiều điều phải làm
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh: Vừa học, vừa làm, không thể hoàn hảo...!

Sau hai bài đăng trên Báo SGGP (ngày 11, 12-8) phản ánh những tích cực cũng như hạn chế của mô hình thu học phí cao đang thí điểm tại THPT Lê Quý Đôn (LQĐ) và mô hình không thu tiền tăng tiết ở THPT Nguyễn Thái Bình (NTB), Báo SGGP đã nhận được nhiều câu hỏi cũng như ý kiến của bạn đọc góp ý cho ngành GD-ĐT. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã chuyển những quan tâm của bạn đọc đến Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh.

Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Rút kinh nghiệm: Nhiều điều phải làm

- PV: Thưa ông, trong chu kỳ đầu thí điểm, LQĐ đã xác định 5 tôn chỉ, khác biệt để làm nên “bản sắc” của nhà trường, trong đó có “Không dạy thêm học thêm. Không thu phí nhiều loại”. Nhưng đến năm thứ 4, tức năm 2009, dường như tôn chỉ trên đã được gia giảm xuống thành “Hạn chế việc học thêm. PHHS không còn bận tâm về nhiều loại phí”. Bạn đọc Báo SGGP cho rằng do ngành GD-ĐT chưa chuẩn bị đủ điều kiện đã thí điểm?

Ông HUỲNH CÔNG MINH: Đánh giá Trường THPT LQĐ một cách công bằng là nhìn từ góc độ một nền giáo dục tiên tiến của thế giới, ở đó thầy cô giáo làm gì và HS học tập như thế nào? Từ một cung cách giáo dục lạc hậu, chậm đổi mới (như một vài ý kiến đã phê phán), điều gì đã thôi thúc thầy cô giáo của Trường THPT LQĐ vượt khó tự học, tự rèn để có thể thể hiện phương thức đào tạo tiên tiến hiện đại? Phải chăng là từ cơ chế hoạt động được đổi mới của nhà trường? Ai đến trường THPT LQĐ tham quan nghiên cứu thực tế cũng đều tâm đắc ca ngợi, vấn đề chăm sóc dạy người đến từng em học sinh là điều ấn tượng nhất của nhà trường, nhưng trong phần phản ánh của bài báo không hề thấy được đề cập (thật ra, bài viết trên Báo SGGP có ghi nhận một số mặt tích cực – PV).

Ở một khía cạnh khác, nếu ai đã từng làm công tác cải tạo thì sẽ thấy được một cách biện chứng giữa những yếu tố mới tích cực cơ bản phát triển và những yếu tố cũ lạc hậu dần dần mất đi. Đã là cải tạo thì làm sao có một mô hình hoàn hảo ngay từ đầu. Đổi mới, làm cuộc cách mạng nhà trường với điều kiện quá nhiều khó khăn, trong một thời gian ngắn vừa học vừa làm mà đạt kết quả như vậy, là công sức của các thầy cô giáo ở đây. Chúng tôi thấy cần phải động viên những nhân tố tích cực trong quá trình đổi mới sự nghiệp giáo dục hiện nay.

- Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao quan tâm đến từng cá thể HS, phương thức đào tạo tiên tiến hiện đại… như ông vừa nói, “đầu ra” của LQĐ lại thua trường ở vùng sâu xa, vốn có đầu vào thấp hơn LQĐ. Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT về 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao , LQĐ xếp hạng 124 trong khi THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức) xếp hạng 80, Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) đứng thứ 114...?

Mọi sự so sánh thường đều bị khập khiễng. Cách đánh giá thuyết phục nhất là lấy ý kiến qua phần khảo sát tự nhiên của tất cả những PHHS có con em học ở đây thay vì dẫn chứng một số trường hợp đơn lẻ.

- Đành rằng mọi sự so sánh thường đều khập khiễng. Nhưng trong trường hợp này là cần thiết để biết LQĐ đang “đứng ở đâu”. Mặt khác, khảo sát một mô hình đang thí điểm một cách khoa học là trách nhiệm của ngành GD-ĐT. Trong đó, “đầu ra” chính là thước đo hiệu quả nhất. Qua một chu kỳ thí điểm, chẳng lẽ không có gì cần phải rút kinh nghiệm hay sao?

Rất nhiều điều phải làm. 3 năm qua, chỉ mới là một chu kỳ đào tạo, GV từ một nề nếp thực hiện quan điểm sư phạm dạy số đông, từ chương, đối phó với thi cử trong mấy chục năm qua chuyển sang quan điểm dạy học cá thể, không thể một sớm một chiều mà thuần thục được.

Kiểm định chất lượng - vừa đá bóng, vừa thổi còi?!

- Thưa ông, Nhà nước có phải rót 100% ngân sách cho các trường “có điều kiện tương tự” như LQĐ đang được hưởng ưu tiên nếu được nhân rộng? Ông có đảm bảo không gây thiệt thòi cho HS nghèo khi giảm cơ hội được vào trường tốt của khu vực?

Cần phải hiểu rõ hơn bản chất của mô hình Trường THPT LQĐ khác với với THPT chuyên Lê Hồng Phong hay THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Trường THPT LQĐ chỉ là một trường công lập bình thường, PHHS tự nguyện góp thêm một phần học phí để con em họ được hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn. Chúng tôi chưa có kế hoạch nhân rộng nên cũng chưa nghĩ đến việc điều tiết ngân sách ở đây.

- Nghị quyết Quốc hội cho phép cơ chế thu học phí cao cho chương trình chất lượng cao nhưng trong quá trình thực hiện, cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng. Thưa ông, qua 3 năm thí điểm, hai mô hình LQĐ và NTB đã được kiểm định chất lượng chưa? Đơn vị nào tiến hành kiểm định?

Đơn vị thực hiện là Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD-ĐT. Công việc này tiến hành thường xuyên hàng năm theo nhiệm vụ quản lý của ngành.

Trước thông tin hơn 10 khoản thu ở Trường LQĐ, ông Huỳnh Công Minh cho là không chính xác và dễ gây phản cảm đối với nhà trường, nhưng khi phóng viên liệt kê đầy đủ 10 khoản thu thì ông Huỳnh Công Minh lại cho rằng, các trường quốc tế tương tự còn thu nhiều hơn.

Dư luận cho rằng, vấn đề ở đây không chỉ là thu ít hay nhiều mà còn là những cam kết, những mong đợi của cả xã hội về chất lượng của mô hình thu học phí cao. Rõ ràng, dù được Nhà nước và xã hội đầu tư lớn nhưng mô hình LQĐ và NTB chưa đem lại hiệu quả một cách thuyết phục. “Tiền hậu bất nhất” trong việc tuyên bố nhân rộng mô hình thể hiện sự lúng túng và thiếu tự tin của chính ngành GD-ĐT. Do vậy, một tổng kết về hai mô hình với sự tham dự của các chuyên gia giáo dục là điều cần thiết.

Hồng Liên

Thông tin liên quan

- Bài 1: Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn -Hiệu quả còn… “tiềm ẩn”

- Bài 2: Mô hình không thu tiền tăng tiết của THPT Nguyễn Thái Bình: Học sinh hưởng lợi, nhà nước cấp bù

Tin cùng chuyên mục