Năm 2010 đang khép lại với một số thành quả về văn hóa, du lịch, thể thao mà TPHCM đã gặt hái được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những điều trăn trở, đòi hỏi phải có hướng tháo gỡ để sang năm 2011, cũng như những năm tiếp theo, ngành văn hóa - thể thao - du lịch (VH-TT-DL) TPHCM phát triển bền vững hơn. Trước thềm năm mới 2011, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, Nguyễn Thành Rum…
* PV: Trong năm qua, ông nhận thấy ngành VH-TT-DL TPHCM có đạt được những thành công như mong đợi?
* Ông Nguyễn Thành Rum: Trong năm 2010, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng anh em ngành VH-TT-DL TPHCM đã rất nỗ lực trong công tác để có thể gặt hái những kết quả tốt nhất. Đây là một điều rất đáng ghi nhận, khích lệ tinh thần. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, về thể thao thành tích cao, hiện có những bộ môn đang rất sa sút như bóng chuyền, bóng đá…
* Như vậy, trong năm 2011, chúng ta cần phải làm gì để sớm khắc phục được những hạn chế ấy?
* Lâu nay, mặc dù lãnh đạo thành phố cũng đã có sự quan tâm tới sự phát triển của ngành VH-TT-DL thành phố, tuy nhiên chúng ta thiếu sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại có thể phục vụ tốt cho sự phát triển bền vững của ngành. Mặt khác, chúng ta thiếu chiến lược đào tạo lớp trẻ, cũng như chế độ chính sách cho anh em vận động viên khi họ hết thi đấu… Về du lịch, chúng ta chưa có được những sản phẩm du lịch tốt dành cho du khách. Tôi nghĩ, chính những điều này là rào cản cho sự phát triển VH-TT-DL thành phố.
Cho nên, trong năm 2011, chúng ta cần tăng cường đãi ngộ dành cho các vận động viên giỏi, những tài năng trẻ, cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các cơ sở vật chất cho VH-TT-DL. Song song đó chúng ta cũng phải tiến hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành VH-TT-DL TPHCM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Hàng năm, cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động, hướng dẫn viên; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Đồng thời, có những chính sách đào tạo, đào tạo lại và tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các vận động viên. Ngoài ra, sẽ cử đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp, vận động viên thể thao thành tích cao và trẻ đi đào tạo tại nước ngoài theo chương trình dài hạn…
* Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến việc xây dựng mới những công trình văn hóa như nhà hát, bảo tàng… để góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo tàng phục vụ công chúng. Đến nay công việc này tiến triển đến đâu, thưa ông?
* Hiện nay, thành phố đã và đang chuẩn bị xây dựng rất nhiều công trình để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành VH-TT-DL trong tình hình mới. Theo dự kiến, trong năm 2011 sẽ khởi công 11 công trình như: Xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo; Mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật; trùng tu tôn tạo đình An Phú…
Bên cạnh đó, TP cũng tiến hành triển khai lập dự án hàng loạt công trình khác, trong đó có những dự án là công trình trọng điểm của thành phố, đang được lãnh đạo và nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm, như: Bảo tàng Tổng hợp Thủ Thiêm; Nhà hát Giao hưởng – vũ kịch thành phố; Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc…
Với những công trình này, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức thi thiết kế quốc tế để có thể chọn ra những mẫu thiết kế tốt nhất. Nếu công việc diễn ra một cách tốt đẹp thì trong 5 năm nữa, thành phố sẽ có được nhiều công trình xứng tầm với thời đại.
* Còn việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch, nhiều người cho rằng, thành phố cần phải đầu tư xây dựng một rạp hát khang trang, hiện đại để có thể làm nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống – giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ông nghĩ sao về điều này?
* Điều này tôi cũng đã nghĩ đến và trong tương lai phải làm. Một khi chúng ta có được một cơ ngơi khang trang, rồi phải đầu tư thực hiện chương trình một cách bài bản, thì mới có thể hấp dẫn du khách. Chúng ta có thể đầu tư một chương trình hay, biểu diễn từ tháng này sang năm khác… Lâu nay, các nghệ sĩ của thành phố cũng có biểu diễn phục vụ du khách, tuy nhiên cách làm còn nhỏ lẻ, cũng chưa mấy hấp dẫn người xem.
Song song đó, tôi nhận thấy có một việc cũng nên quan tâm thực hiện trong năm 2011, đó là kỷ niệm ngày Quốc khánh của các nước. Hiện nay, ở TPHCM có 27 tổng lãnh sự quán các nước, như vậy có nghĩa là sẽ có 27 ngày quốc khánh. Với 27 ngày này, chúng ta có thể tổ chức 27 đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật, để qua đó chúng ta có thể giới thiệu những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo của mình đến với bạn bè các nước. Nếu làm tốt điều này, chính các khách mời sẽ là những người giúp chúng ta quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
ĐỖ HẠNH (thực hiện)