Đợt tăng giá nhà trọ sau tết, cộng với áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, gas, điện, nước đã khiến đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) gặp nhiều chật vật. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước tiếp tục gặp khó khăn, làm thế nào để có thể ổn định và chăm lo tốt hơn cuộc sống CNLĐ? Phóng viên Báo SGGP ghi nhận thực trạng tại TPHCM và tìm giải pháp cho vấn đề này.
“Êm” là tăng!
Hơn 1 giờ chiều, trong căn phòng trọ ngột ngạt ở 491/15H Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng quận 7, bà Ng.T.Th. đang quạt lấy quạt để cho đứa cháu ngủ trong cái nắng hầm hập. Bà Th. than: “Ở khu này, bà chủ lấy tiền trọ quá đắt, tiền nước, tiền điện cũng đắt hơn nhiều nơi khác. Tiền phòng hàng tháng là 2,2 triệu đồng (diện tích 15m²), điện lấy giá 3.500 đồng/kWh. Tui nghe thằng con trai đi làm về nói mức giá tiền điện của nhà nước ưu đãi CNLĐ chỉ từ 1.242 đến 2.060 đồng/kWh. Bốn miệng ăn, thêm tiền phòng, tiền điện giá đắt như vậy nên cứ thiếu trước hụt sau”.
Bức xúc của bà Th. cũng là bức xúc của các hộ khác trong 15 phòng ở khu nhà trọ này. Không dám nêu tên vì “bà chủ nhà dữ lắm”, chị L., trọ sát bên nhà bà Th, cho biết: “Lúc trước, bà chủ vẫn tính tiền 2,5 triệu đồng/phòng/tháng và tiền điện là 5.000 đồng/kWh. Sau khi bị nhân viên Công ty Điện lực Tân Thuận xuống xử phạt, bà ấy giảm tiền điện còn 2.500 đồng/kwh, tiền phòng giảm còn 2,2 triệu đồng/tháng. Hai tháng sau, thấy “êm”, bà ấy vừa tăng giá điện lên lại 3.500 đồng/kWh”.
N.T.M, công nhân Công ty Gia Hồi, hiện trú tại khu nhà trọ số 42/1 Hồ Đắc Di, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho biết: “Tụi em ba đứa phải trả tiền điện giá 4.000 đồng/kWh, tiền phòng 1 triệu đồng/tháng nên chi tiêu cũng phải dè sẻn hết sức mới đủ sống. Gần như tụi em không dám mở tivi, đèn, quạt. Còn tủ lạnh không dám xài vì hút điện dữ lắm”.
Bấm bụng trả tiền nhà
Năm 2012, khá nhiều chủ nhà trọ cam kết hưởng ứng không tăng giá nhà trọ để chia sẻ khó khăn với công nhân lao động, sinh viên. Tuy nhiên, không ít nhà trọ đang rục rịch tăng giá khiến người thuê nhà lo lắng, thấp thỏm. Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt gần các khu nhà trọ cũng không có dấu hiệu giảm kể từ sau tết càng khiến người ở trọ khó khăn thêm.
Một nhóm công nhân ở tại khu nhà trọ đường số 2, khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết, sau tết, chủ nhà trọ đã tăng thêm 100.000 đồng/phòng. Mặc dù tăng giá nhưng công nhân đang trọ ở đây vẫn không ai dám dọn ra nơi khác. Khi được hỏi, công nhân ở đây còn dè dặt: “Đừng đưa tên tụi em lên báo, nếu biết được, chủ nhà không cho ở nữa lại càng khổ hơn. Với mức tăng 100.000 đồng/phòng, tụi em còn ráng chịu đựng được. Chỉ sợ mai mốt, chủ nhà đòi tăng tiếp thì không biết làm sao” - một công nhân giải thích.
Tiếp xúc với chúng tôi, một số công nhân tại khu nhà trọ số A12/13A, đường Bờ Sông - cách đó không xa - phản ánh, khu nhà trọ họ đang ở cũng tăng 50.000 đồng/phòng. Ngoài ra, công nhân tại khu nhà trọ số 67 đường Trần Thanh Mại cho hay, chủ nhà trọ đã tăng giá từ sau tết. Theo ghi nhận của chúng tôi, có không ít chủ nhà trọ nhỏ lẻ dưới 10 phòng từ sau tết đã tăng bình quân 100.000 đồng/phòng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một khu nhà trọ ở đường Nguyễn Cửu Phú, cho biết, trong tháng 3, chị bắt đầu tăng 100.000 đồng/phòng. “Phải tăng thôi, tôi không có việc làm, nên ngăn nhà ra làm 8 phòng cho thuê để có tiền ăn, tiền học cho con. Cả nhà tôi cũng chỉ ở 1 phòng. Tôi cũng muốn giữ nguyên giá để chia sẻ với công nhân nhưng xem ra cuộc sống của gia đình tôi khó khăn quá. Cái gì cũng tăng giá, trong lúc mọi chi phí sinh hoạt của gia đình tôi đều trông chờ vào mấy phòng trọ đó”, chị Hằng chia sẻ.
| |
Hồ Việt - Hồng Hiệp