Giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ​

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn VND giảm thêm 0,5% từ ngày 10-7-2017, hàng loạt ngân hàng đã tung ra nhiều gói lãi suất ưu đãi, cơ hội để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh. 
VPBank giảm đến 1% lãi suất cho doanh nghiệp thuộc nhóm 5 đối tượng ưu tiên
VPBank giảm đến 1% lãi suất cho doanh nghiệp thuộc nhóm 5 đối tượng ưu tiên
Đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng
Không chỉ điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn, NHNN còn giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN khi có nhu cầu… Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng cũng cho biết đang có chủ trương hạ lãi suất đối với nhóm 5 đối tượng ưu tiên. Cụ thể, Vietcombank đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với nhóm 5 đối tượng ưu tiên. VPBank triển khai gói lãi suất “Linh hoạt cấp vốn” giúp các DN siêu nhỏ và DN khởi nghiệp tiếp cận vốn. Tại PVcomBank, lãi suất ưu đãi vay vốn chỉ từ 7,5%/năm. Ngoài ra, các DN siêu nhỏ thuộc diện khởi nghiệp, nếu có thời gian hoạt động chỉ từ 6 tháng trên nền tảng phát triển từ hộ kinh doanh, cũng được PVcomBank xem xét cho vay. 
Anh Phùng Duy Hưng, chủ một DN nhỏ cung cấp dịch vụ làm bánh và trà sữa tại quận 5, cho biết sau hơn 1 năm kinh doanh khá thuận lợi, anh định mở rộng quy mô nhưng không vay được vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. “Vay tín dụng cá nhân thì ngân hàng không quá khắt khe về hồ sơ, thủ tục, nhưng DN như tôi chịu thiệt thòi vì không được tính vào chi phí vận hành để khấu trừ thuế thu nhập. Mới đây, nhờ một số ngân hàng có các gói vay ưu đãi dành cho DN siêu nhỏ với thủ tục thế chấp linh hoạt hơn, nên tôi đang xúc tiến thủ tục vay, dự kiến trong tuần sau tôi được giải ngân 200 triệu đồng tại PVcomBank”, anh Hưng cho hay. 
Một số ngân hàng thương mại cũng cho biết sẽ áp dụng việc giảm lãi suất cho cả những khoản vay đối với DN không nằm trong nhóm này. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm với tất cả các khoản vay, thay vì chỉ hạ lãi suất nhóm lĩnh vực ưu tiên. ACB cũng mở rộng gói vay 7.000 tỷ đồng cho DN sản xuất kinh doanh trong 2 quý cuối năm, với lãi suất thấp hơn trước đây… Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tăng trưởng tín dụng của TP đến cuối tháng 6 khoảng 10% so với cuối năm 2016. Theo ông Minh, việc giảm lãi suất sẽ đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, rất có khả năng tăng trưởng tín dụng tại TPHCM sẽ đạt 18% vào cuối năm 2017.
Giảm áp lực vốn 
Báo cáo 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng cho thấy, mặc dù thanh khoản được hỗ trợ từ nhiều nguồn (như NHNN tăng mua dự trữ ngoại hối, hỗ trợ từ lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, cũng như những dòng đầu tư gián tiếp…) nhưng trên toàn hệ thống, tăng trưởng huy động 6 tháng năm 2017 chỉ đạt 6,1%, còn tăng trưởng tín dụng đến gần 8%. Tương tự, 6 tháng đầu năm tại TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 4,5% so với cuối năm 2016, trong khi tổng dư nợ tín dụng tăng đến 10%. Số liệu này khiến thị trường lo ngại tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay. Mặt khác, ngân hàng đang phải huy động vốn để cung ứng cho nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2017, cũng như để đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo Thông tư 06/2016 (quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng). Theo đó, tỷ lệ này giảm xuống còn 40% vào năm 2018.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng những tháng đầu năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng được hỗ trợ tốt do lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng như những dòng đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ khó giữ được lâu, khi Chính phủ đang đôn đốc các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, động thái điều chỉnh giảm nhiều loại lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của NHNN là giải pháp hợp lý. Bởi lẽ, nếu NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động như thông thường thì sẽ khiến dòng tiền có nguy cơ chảy sang các kênh tài chính khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán…, gây khó khăn cho tình hình huy động vốn khi việc này đang không được khả quan.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, NHNN cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý. Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2% - 4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7,1%/năm vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục