Giảm phát thải trong vận tải: Chưa đồng đều ở các lĩnh vực

Việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực GTVT tại Việt Nam đã có thêm những bước tiến mới từ các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn chưa đồng đều trong các lĩnh vực.

Đường bộ tiên phong

Theo dự báo của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, đặc biệt ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Vì vậy, Chính phủ, Bộ GTVT đang rất quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực đường bộ, với hạt nhân là giải pháp chuyển đổi phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện và các loại xe sử dụng năng lượng xanh.

Hà Nội đang là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ở ngành GTVT khi có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất cả nước, gồm xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng. Trong tổng số 2.000 xe buýt đang khai thác, Hà Nội có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng năng lượng xanh sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2031-2035, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm. Trong khi đó, TPHCM đã đặt mục tiêu từ năm 2030, 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

chu-de-9908.jpg
Xe điện hai bánh được sử dụng ngày càng nhiều. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh thông qua việc thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước, xây dựng hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới trong hoạt động môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT, Bộ GTVT đã đề xuất hàng loạt các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh vẫn đang gặp nhiều thách thức như: thiếu cơ sở hạ tầng, trạm sạc; giá thành xe điện còn cao; thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng, sử dụng ô tô điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ...

Nhiều lĩnh vực “đuối sức”

Trong khi đường bộ đang có những kết quả tích cực trong việc chuyển đổi xanh thì các lĩnh vực còn lại vẫn khá chậm trễ. Là tác nhân lớn thứ hai sau đường bộ, vận tải thủy đóng góp 10% lượng phát thải của ngành GTVT. Hiện ngành vận tải này vẫn sử dụng chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa, cho biết, việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực đường thủy rất khó khăn, cần nguồn kinh phí lớn, do các tàu, thuyền đều đã cũ, lạc hậu. Để hướng tới mục tiêu giảm phát thải toàn ngành GTVT, lĩnh vực đường thủy cũng đã có phương án thay thế phương tiện thế hệ mới, như sử dụng xà lan kéo đẩy, xà lan tự hành bằng thuyền có trọng tải lớn, thuyền chuyên dụng container, phương tiện thế hệ mới động cơ hybrid, điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ hoán cải và sửa chữa các tàu, thuyền sử dụng xăng, dầu sang sử dụng nhiên liệu sạch LNG, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch, các bộ ngành cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đóng mới, sử dụng phương tiện thế hệ mới.

Với lĩnh vực hàng không, theo tính toán của các nhà khoa học, các chuyến bay thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn carbon mỗi năm, chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu. Mới đây, các quốc gia đã nhất trí về việc giảm 5% khí thải carbon trong ngành hàng không vào năm 2030.

Đồng thuận mục tiêu này, bà Vũ Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã nộp báo cáo Kế hoạch hành động Quốc gia về giảm phát thải CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam. Kế hoạch được đưa ra dựa trên những cân nhắc về thị trường hàng không trong nước, sự ra đời của các hãng hàng không và những tuyến đường hàng không mới. Các giải pháp cơ bản giảm phát thải khí CO2 vào khí quyển đang được thực hiện là đầu tư đổi mới và hiện đại hóa đội máy bay, sửa đổi các đường bay quốc tế nhằm rút ngắn thời gian bay. Hiện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang áp dụng giải pháp Single Engine taxiing (lăn bánh một động cơ) để giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải. Kết quả sau 5 năm áp dụng giải pháp này, Vietnam Airlines đã giảm được hơn 4.000 tấn CO2. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước khởi đầu.

Chuyển đổi xanh trong vận tải công cộng

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe điện bốn bánh để phục vụ vận chuyển khách du lịch, tham quan khi đến với thành phố, vừa giúp thành phố đa dạng hóa sản phẩm du lịch vừa phù hợp lộ trình chuyển đổi sang vận tải xanh. Đề án được triển khai thí điểm trong 2 năm. Thông tin từ Công ty TNHH Public Transport - đơn vị được giao thực hiện đề án trên, trong giai đoạn 1, đơn vị sẽ đưa khoảng 70 xe vào phục vụ. Xe 4 bánh được sử dụng là loại xe từ 4 đến 15 chỗ với công nghệ pin theo chuẩn Mỹ. Cùng với du lịch, trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, TPHCM cũng dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 899 xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh; giai đoạn 2025-2030, dự kiến sẽ chuyển đổi được 100% xe buýt hiện hữu đang sử dụng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) sang sử dụng năng lượng xanh (khí CNG hoặc điện). Kinh phí đầu tư để thực hiện kế hoạch được xác định là 13.800 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng hơn 2.000 xe buýt đang hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 xe đã sử dụng nhiên liệu sạch là khí hóa lỏng CNG và 15 xe buýt điện (tuyến D4).

5-5314.jpg
Xe buýt năng lượng sạch trên tuyến đường từ Vinhomes Grand Park - trung tâm quận 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TPHCM, kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh trong vận tải công cộng vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Đánh giá đây là một nhiệm vụ khá khó khăn vì thời gian thực hiện gấp rút, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM, cho rằng, cần một nguồn vốn đầu tư lớn và việc giải quyết đối với các phương tiện cũ còn tồn tại là không đơn giản. Tuy nhiên, TPHCM có thể vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. “Cần triển khai một số vấn đề như kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trạm sạc điện, trạm cung ứng nhiên liệu CNG vì hiện nay còn quá ít, và hoàn thiện chính sách trợ giá cho loại hình này”, ông Tính đề xuất.

HẢI NGỌC

***

Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe về lâu dài

Ngày 28-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM, chủ yếu do khói thải của các phương tiện giao thông gây ra.

Theo số liệu quan trắc của Bộ TN-MT, mức độ bụi mịn (PM10 và PM2.5) ở ngưỡng cao, nồng độ NO2, CO có xu hướng tăng tại các nút giao thông vào giờ cao điểm. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TPHCM trong ngày 27-2 có thời điểm lên đến mức 112 (không tốt cho nhóm nhạy cảm) và chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên đến 40.1µm/m³ , cao gấp 3,3 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ô nhiễm không khí gây nên những tác động bất lợi cho cộng đồng và gây tác động trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe con người.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC khuyến cáo, nếu chỉ số AQI từ 101-150, người dân giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời và hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí như đường phố, các điểm giao cắt giao thông...

THÀNH AN

Tin cùng chuyên mục