Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 của cả nước tăng khoảng 6,5% so với tháng 8-2021 (tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7). Nếu tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn giảm 7,1% so cùng kỳ. Do đó, các tháng cuối năm Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa giữa các vùng miền, cung ứng hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu giá cả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa thông suốt trên cả nước. Đặc biệt là tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường cao điểm những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Riêng với hệ thống bán lẻ, Bộ Công thương sẽ có hướng dẫn các địa phương từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song đó là triển khai chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, chương trình Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia.