
Thực hiện điều chỉnh phương án phân ban ở bậc THPT; giảm tải chương trình, sách giáo khoa tiểu học, THCS và thực hiện bỏ thi tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh ĐH, CĐ đối với lứa học sinh đầu tiên học thí điểm chương trình phân ban... là những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2005 – 2006 được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo SGGP nhân dịp năm học mới. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết:
Năm học 2005-2006 là năm học bản lề giữa 2 giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, ngành giáo dục sẽ phải triển khai 7 nhóm công việc lớn: Thứ nhất là thực hiện tốt yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục.
Thứ hai là củng cố, hoàn thiện mạng lưới trường học. Thứ ba là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thứ tư: hoàn thành các mục tiêu của chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Thứ năm: đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Thứ sáu là khẩn trương triển khai việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học nhằm giảm bớt áp lực thi cử nặng nề. Nhiệm vụ cuối cùng là triển khai Luật Giáo dục (sửa đổi) và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thứ trưởng Phạm Vũ Luận.
Trong số đó, những nhiệm vụ cụ thể thực hiện điều chỉnh phương án phân ban ở bậc THPT; giảm tải chương trình, sách giáo khoa (SGK) tiểu học, THCS và thực hiện bỏ thi tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh ĐH, CĐ đối với lứa học sinh đầu tiên học thí điểm chương trình phân ban... là những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới.
- PV: Thưa Thứ trưởng, đây là năm học đầu tiên không tổ chức thi tốt nghiệp THCS. Bộ có giải pháp cụ thể nào để tránh được hiện tượng thả nổi chất lượng giáo dục THCS vì tâm lý chung của nhiều học sinh là “không thi, không học”?
- Thứ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Ngành giáo dục đã có kinh nghiệm từ việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học từ năm 2004-2005. Về cơ bản, để thay thế cho một kỳ thi tốt nghiệp, các trường sẽ xét tốt nghiệp trên cơ sở đánh giá quá trình học tập và kết quả kiểm tra cuối năm học lớp 9 của học sinh.
Sắp tới, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng tinh thần chung là sẽ đánh giá học sinh trong suốt quá trình chứ không chỉ trong một vài kỳ thi. Tốt nghiệp THCS làm theo cách đó, vậy tuyển vào lớp 10 sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi mà rất nhiều địa phương đặt ra cho chúng tôi.
Nhưng quan điểm của Bộ là cũng như các năm học trước, các địa phương có trách nhiệm căn cứ vào quy mô tuyển sinh và khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh để lựa chọn phương thức thi tuyển và xét tuyển cho phù hợp. Và đây là quyền tự chủ của địa phương.
- Sau một thời gian triển khai chương trình và SGK mới, vì sao trong năm học này, Bộ GD-ĐT lại đặt ra vấn đề giảm tải và làm thế nào để giảm tải “đạt yêu cầu”, thưa Thứ trưởng?
- Đúng là Bộ GD-ĐT đặt ra yêu cầu giảm tải cho chương trình và SGK phổ thông, đặc biệt là ở bậc tiểu học và THCS vì thực tiễn cho thấy, CT và SGK còn quá tải đối với học sinh vùng khó khăn, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế về tiếng Việt trước khi tới trường.
Giảm tải đối với bậc tiểu học sẽ được thực hiện theo hướng điều chỉnh phân phối chương trình theo hướng “mở”, hướng dẫn dạy học cho các vùng miền khác nhau nhằm lược bỏ những nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên và kiểm tra chặt chẽ những yêu cầu đã nêu trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học bậc tiểu học: dạy đúng, dạy đủ nội dung CT và SGK, không nâng cao, mở rộng, hoặc cắt xén; tạo điều kiện để học sinh làm bài tại lớp, không giao bài tập yêu cầu học sinh làm bài ở nhà đối với lớp tổ chức học 2 buổi/ ngày. Đối với THCS và THPT, việc giảm tải sẽ được giải quyết một cách hệ thống và đồng bộ để chương trình tinh giản, gọn nhẹ.

Sau những tháng nghỉ hè, các em học sinh TPHCM vui mừng gặp lại nhau trong ngày khai giảng năm học mới 2005-2006.
- Năm nay, việc sàng lọc giáo viên cũng được Bộ GD-ĐT đặt ra khá quyết liệt. Thưa Thứ trưởng, dư luận rất quan tâm đến “hậu” cuộc sàng lọc này, vấn đề tuyển dụng giáo viên trẻ, có trình độ có được cải tiến không?
- Bộ GD-ĐT đang hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, bố trí lại những giáo viên chưa đạt chuẩn. Cụ thể, đối với giáo viên trẻ chưa đạt chuẩn thì bố trí cho đi đào tạo lại. Với những người không có điều kiện đi học hoặc những giáo viên năng lực chuyên môn hạn chế thì bố trí công tác khác.
Trong trường hợp giáo viên vì điều kiện sức khỏe, tuổi tác hoặc năng lực chuyên môn không thể đi học và cũng không thể đảm đương công việc khác được, chúng tôi sẽ giải quyết nghỉ hưu trước tuổi với chế độ thỏa đáng. Riêng đối với những trường hợp có vi phạm làm ảnh hướng đến đạo đức người thày thì kiên quyết không bố trí nhiệm vụ giảng dạy, nếu sai phạm ở mức độ nặng sẽ buộc thôi việc.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị HĐND và UBND các địa phương hướng dẫn bổ sung kịp thời lực lượng giáo viên trẻ, mới ra trường, có đủ năng lực giảng dạy để tránh sự hẫng hụt về đội ngũ. Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết những khó khăn về biên chế và kinh phí để có thể tuyển được giáo viên trẻ có trình độ.
- Được biết, Bộ GD-ĐT cũng đang chủ trì soạn thảo đề án học phí mới để trình Chính phủ. Liệu trong năm học này, học phí có tăng?
- Hiện chúng tôi đang soạn thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thành đề án, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9. Chế độ học phí hiện hành đã lạc hậu nhưng thay đổi như thế nào, tăng bao nhiêu, hiện chưa thể nói trước được. Nhưng về cơ bản, học phí ở bậc tiểu học vẫn giữ nguyên chế độ hiện hành, còn ở các cấp học khác sẽ phải điều chỉnh.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
ANH NHI