Giảm thuế giá trị gia tăng: Người tiêu dùng hưởng lợi

Thông tin thuế giá trị gia tăng (GTGT) được giảm từ 10% xuống 8% khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vui mừng, nhưng cũng không ít DN “mừng hụt” vì không nằm trong nhóm ngành nghề được giảm. Ngược lại, một số DN nhỏ cho rằng gặp khó khăn trong khâu tính toán giảm thuế khi DN kinh doanh đa ngành nghề, trong khi thực tế có ngành giảm, ngành không.
Việc giảm thuế sẽ giúp giá hàng hóa giảm xuống, có lợi hơn cho người tiêu dùng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Việc giảm thuế sẽ giúp giá hàng hóa giảm xuống, có lợi hơn cho người tiêu dùng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chỉ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được giảm thuế

“Nghe tin thuế GTGT giảm xuống 8%, sẽ góp phần nhẹ gánh cho DN, nào ngờ kiểm tra lại thì ngành nghề kinh doanh sản phẩm sắt thép của chúng tôi không thuộc đối tượng được giảm thuế”, ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ DN ở huyện Củ Chi (TPHCM), cho biết. Trong khi đó, ông Diệp Minh Châu, chủ DN tại quận 3 (TPHCM) thì lo lắng, DN của ông kinh doanh đa ngành nghề, ngành được giảm, ngành không thì việc sửa thuế suất sẽ là thách thức với kế toán. 

Nhiều DN khác cũng “mừng hụt” khi nghe tin từ đầu tháng 2-2022, thuế GTGT giảm từ 10% còn 8%, nhưng khi nghiên cứu sâu vào Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) thì chỉ những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mới thuộc đối tượng được giảm. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh tính thuế theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Còn cơ sở kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu (cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể) thì được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định 15 cũng quy định rõ các nhóm ngành không được giảm thuế GTGT gồm: ngành viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Những hàng hóa tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xi lanh trên 125cm³; tàu bay, du thuyền; xăng; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã hay những dịch vụ, ngành nghề kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, kinh doanh golf, xổ số cũng không thuộc đối tượng giảm thuế.

Phải xuất hóa đơn giảm thuế GTGT 2%

Đánh giá tác động có thể dẫn đến lạm phát trong thời gian tới nên Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ DN và hạn chế lạm phát năm 2022. Thời gian giảm thuế sẽ kéo dài từ 1-2 đến hết năm 2022. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu, do người tiêu dùng trả thông qua giá mua hàng hóa, dịch vụ, nên việc giảm thuế sẽ giúp giá hàng hóa giảm xuống, có lợi hơn cho người tiêu dùng. 

Để chính sách thuế phát huy hiệu quả, ngày 14-2, Cục Thuế TPHCM đã gởi văn bản đến các DN, tổ chức kinh doanh phải thực hiện xuất hóa đơn giảm thuế GTGT 2% cho các ngành nghề được giảm theo đúng quy định, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống. Tổng Cục thuế cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm DN nào không thực hiện xuất hóa đơn giảm thuế theo quy định. Hiện nay, nhiều DN bán hàng tiêu dùng, hệ thống siêu thị đã tiến hành chỉnh sửa mức thuế xuất GTGT xuống còn 8% cho các mặt hàng thiết yếu theo quy định như: hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, siêu thị Tops Market, siêu thị điện máy Nguyễn Kim…

Tuy nhiên, nhiều DN cũng than phiền, việc sửa đổi thuế suất trên hóa đơn sẽ gây khó khăn khi một DN kinh doanh đa ngành thì việc khai báo theo từng mã hàng sẽ gặp khó. Thế nhưng, theo nhận định của ngành thuế, sở dĩ khó khăn là do kế toán nhầm lẫn “mã đăng ký kinh doanh” với “mã hàng hóa”. Do vậy, ngành thuế đã đưa lên website bảng excel và hướng dẫn cách tra cứu mã hàng hóa để biết loại hàng hóa, dịch vụ có được giảm thuế hay không.

Một số DN bày tỏ lo lắng, các khâu trong chuỗi quy trình sản xuất sẽ xử lý như thế nào nếu hàng hóa được nhập khẩu trước ngày nghị định trên có hiệu lực với thuế suất 10%, nay bán ra trong thời gian giảm thuế còn 8%. Ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, nếu hàng mua vào trước đó với thuế suất GTGT 10%, thì từ nay đến cuối năm vẫn phải bán ra với thuế suất 8%, số thuế GTGT chênh lệch sẽ được khấu trừ trong các kỳ tính thuế sau đó. “Mọi hoạt động mua bán đối với các loại hàng hóa, dịch vụ trong thời gian giảm thuế được áp dụng đầy đủ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến kinh doanh, để đảm bảo lợi ích đến tay người tiêu dùng”, ông Giao nói.

* Theo PGS.TS Dương Anh Sơn, việc giảm thuế không chỉ giúp người tiêu dùng giảm được chi phí chi tiêu mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía nhà sản xuất, giảm gánh nặng tạm ứng thuế đầu vào và giúp Nhà nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

-------------------------

* Ngày 16-2, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM đã có văn bản gửi đến Cục Thuế TPHCM. Theo đó, nhiều DN thành viên của hội khẳng định, việc áp dụng Nghị định 15 vào thực tế có nhiều điều chưa rõ. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, lý giải, dựa trên nội dung nghị định, DN sẽ hiểu có 4 trường hợp: một là, nếu mặt hàng được giảm thuế 8% nhưng DN xuất 10% thì bên bán phải nộp 10%, bên mua được khấu trừ 8%; hai là, nếu mặt hàng chịu thuế 10% nhưng DN xuất 8% thì bên bán sẽ bị truy thu 2% kèm theo tiền chậm nộp và phạt kê khai sai, bên mua chỉ được khấu trừ 8%; ba là, riêng với mặt hàng phát sinh doanh thu trước ngày 1-2-2022 nhưng tháng 2-2022 mới xuất hóa đơn GTGT, thì vẫn xuất theo thời điểm phát sinh doanh thu, không chịu thuế, 0%, 5%, 10%; bốn là, với hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn phát sinh trước ngày 1-2-2022 thì thuế suất đi theo hóa đơn bị điều chỉnh không chịu thuế, 0%, 5%, 10%... 

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến DN cho rằng, với trường hợp 1, nghị định rất khó cho DN áp dụng. Hiện nay, để xác định loại hàng hóa nào được giảm thuế từ 10% xuống 8% còn chưa rõ ràng. Một số sản phẩm có thể hiểu nhiều cách (như sản phẩm khuôn mẫu, motor...). Các DN đề nghị hóa đơn VAT nếu đã đóng theo VAT 10% thì cho phép DN mua hàng được khấu trừ thuế VAT 10% theo đúng hóa đơn. Nếu mặt hàng chịu thuế 10% nhưng DN xuất 8% thì bên bán sẽ bị truy thu 2% kèm theo tiền chậm nộp và phạt kê khai sai, bên mua chỉ được khấu trừ 8%. 

Các DN đề nghị cơ quan thuế nhanh chóng trả lời các thắc mắc của DN về thuế suất các mặt hàng còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng. Nếu cơ quan thuế không trả lời kịp thời, dẫn đến ghi sai thuế suất VAT, khi DN xuất hóa đơn thì xin được miễn trách nhiệm cho DN.

Tin cùng chuyên mục