Giảm tiếp xúc trong giao dịch hành chính sẽ giảm nhũng nhiễu, tiêu cực

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với nhóm đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vào sáng 10-8.

(SGGP).- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với nhóm đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vào sáng 10-8.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thông tin, TPHCM đang hướng đến xây dựng thành một đô thị thông minh đến năm 2025 - 2030 với 3 tiêu chí. Đó là, xây dựng chính quyền điện tử, quy hoạch thông minh và thúc đẩy phát triển hoạt động kinh tế. Đây là những nền tảng phát triển lớn để biến TPHCM là “thành phố đáng sống” trong tương lai. Trong đó, thông qua chính quyền điện tử, các giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền sẽ được thực hiện qua hệ thống điện tử giúp hạn chế tối đa thời gian và sự tiếp xúc của người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, qua đó giúp giảm nhũng nhiễu tiêu cực, hạn chế tình trạng chung - chi. Thừa nhận một trong những yếu kém của thành phố hiện nay là quy hoạch còn mang tính cảm tính, thiếu các chỉ số chính xác về kỹ thuật nên quá trình định hướng của quy hoạch thường theo sau sự việc xảy ra, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết tiêu chí để thành phố trở thành đô thị thông minh thời gian tới là dựa trên nền tảng quy hoạch thông minh, bởi quy hoạch thông minh sẽ giúp ngăn ngừa sự cố, đoán trước các sự cố, ví dụ như sự cố biến đổi khí hậu, những hậu quả của phát triển đô thị thời gian tới…

Đánh giá chỉ số PAPI tại TPHCM, các chuyên gia UNDP cho biết PAPI chính là thước đo của người dân đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính công. Theo đó, chính quyền địa phương có những hành động cụ thể nhằm đáp ứng mong đợi của người dân, chính quyền có thể tạo niềm tin trong dân về khả năng đổi mới vì dân. Đánh giá các chỉ tiêu thành phần trong chỉ số PAPI mà TPHCM có sự sụt giảm qua từng năm giai đoạn 2011 - 2015, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích của nhóm nghiên cứu PAPI của UNDP phân tích, TPHCM có các chỉ tiêu sụt giảm gồm: công khai minh bạch về ngân sách xã, phường, thị trấn giảm 0,2 điểm; công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất giảm 0,1 điểm; tiêu chí công khai minh bạch danh sách hộ nghèo cũng giảm.  Đặc biệt, so với năm 2011, điểm số về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tại TPHCM trong năm 2015 giảm đến 16% điểm và đây là mức giảm mạnh. Cũng theo bà Huyền, giai đoạn 2011 - 2015 chứng kiến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ người được hỏi cho rằng lót tay, chung chi, bồi dưỡng ngoài quy định tồn tại khi xin việc vào khu vực nhà nước, khám, chữa bệnh ở bệnh viện công lập, làm giấy xây dựng và giáo dục công lập. 

Riêng tại TPHCM, một chỉ tiêu khác trong đo lường kiểm soát tham nhũng là tỷ lệ người dân cho biết đã đưa “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù giảm từ gần 59% trong năm 2011 xuống còn gần 29% trong năm 2015 nhưng trị giá tiền “lót tay” lại tăng lên rất mạnh, từ 3 triệu đồng tăng lên 14 triệu đồng sau 5 năm. “Tất cả những thông số nói trên nói lên nhiều điều để chúng ta cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát tham nhũng”, bà Huyền nêu ý kiến.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục