Giám tuyển - Người kết nối

Thành công của một triển lãm không chỉ dừng lại ở tài năng của nghệ sĩ, triển lãm bài bản cần sự góp mặt của giám tuyển, làm cầu nối giữa tác giả, tác phẩm, ý đồ nghệ thuật và công chúng. Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, sự xuất hiện của giám tuyển càng quan trọng để tương tác nhiều hơn với người xem. 

Bắt đầu có sự quan tâm

Tại một trung tâm nghệ thuật đương đại ở quận 2 (TP Thủ Đức, TPHCM), bên cạnh triển lãm chính, mục “Lang thang cùng giám tuyển” trình bày những thư từ trao đổi và bày tỏ suy nghĩ của các giám tuyển với nhau, quá trình thực hiện triển lãm đã thu hút bạn trẻ từ tò mò đến thích thú. Trần Phương Lan Anh (21 tuổi, quận 2) chia sẻ: “Tôi đi xem khá nhiều triển lãm, đây là lần đầu tiên tôi thấy trưng bày phụ nói về giám tuyển bên cạnh triển lãm chính. Thư từ trao đổi khá dài, nhưng chịu khó đọc qua cũng thấy thú vị. Công việc giám tuyển không phải là lần đầu tôi nghe qua, nhưng lần đầu thấy thư từ trao đổi của giám tuyển cũng hay hay”.

Triển lãm Nhà: Soi tâm để tiếp bước diễn ra tháng 3-2021, do giám tuyển Thuận Uyên đảm nhiệm tại The Factory
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, một buổi trao đổi về nghệ thuật đương đại cùng các giám tuyển được thực hiện online, Đặng Văn Thành (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) hào hứng đăng ký và đặt câu hỏi. “Dạo gần đây, tôi khá quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực hội họa, vì dự án tôi đang làm cần yếu tố mỹ thuật cao. Thường xuyên đến các phòng tranh, tôi bắt đầu biết về giám tuyển, trước giờ cứ nghĩ mang tranh ra trưng bày là xong. Qua sự kết nối của họ, dân ngoại đạo với nghệ thuật như tôi cũng dễ dàng thưởng thức tác phẩm, hiểu được ý đồ, ý tưởng vì sao người ta đặt những chủ đề như vậy cạnh nhau trong một triển lãm”, Đặng Văn Thành chia sẻ.


Sự cần thiết của các giám tuyển cho triển lãm là thế, tuy nhiên ít nhiều trong giới vẫn có ý kiến cho rằng, đó là với các trung tâm trưng bày nghệ thuật, còn những phòng tranh thương mại, vai trò của giám tuyển khá mờ nhạt, thậm chí không cần thiết. Chia sẻ về điều này, chị Thu Trà (32 tuổi, quản lý một phòng tranh tại quận 1, TPHCM) cho biết: “Tất nhiên với phòng tranh thương mại, yếu tố kinh doanh được chú trọng hơn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cần giám tuyển. Phòng tranh thương mại vẫn có những triển lãm, nên nhiều nơi thường mời giám tuyển làm việc theo sự kiện. Có những phòng tranh muốn xây dựng một gu nghệ thuật riêng thì họ chọn giám tuyển để chọn lựa tác giả và tác phẩm. Và khi khách hàng cần tìm dòng tranh gì, tự khắc người ta sẽ đến ngay phòng tranh đó đầu tiên, như một địa chỉ chuyên về dòng tranh đó. Cũng có một số nơi không có giám tuyển vì chủ nhân các phòng tranh đó là họa sĩ, họ tự giám tuyển cho phòng tranh của mình luôn”.

Vai trò cầu nối

Giám tuyển (curator) được ví như người kể chuyện, hay cầu nối giữa nghệ sĩ với công chúng, giúp người xem có thể hiểu được giá trị và thông điệp của tác phẩm được trưng bày. Rất khó để nêu một định nghĩa cụ thể về nghề giám tuyển và gạch ra những đầu việc cụ thể của họ, bởi hiện nay các giám tuyển thường kiêm nhiệm nhiều phần việc không tên. 

Giám tuyển Lê Thuận Uyên (trợ lý giám tuyển tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory) nhìn nhận: “Cá nhân tôi cho rằng, có lẽ công việc giám tuyển không có một danh sách đầu mục cụ thể, cố định cần thực hiện. Đối với mảng trưng bày tác phẩm, giám tuyển lại càng cần linh hoạt hơn, bởi lẽ thực hiện triển lãm gắn liền với hoạt động sáng tác của nghệ sĩ. Khi mỗi nghệ sĩ quan tâm tới một đề tài hoặc sử dụng một chất liệu khác biệt, trên vai trò là người đồng hành cùng nghệ sĩ, giám tuyển thường chủ động điều chỉnh để phối hợp được với họ một cách nhịp nhàng nhất”.

Ngay cả là phòng tranh thương mại thì cũng có vô số cách thức trưng bày khác nhau, tùy vào gu thẩm mỹ, nhu cầu và đối tượng mà họ hướng tới. Nhìn chung, đối với các nghệ sĩ đã có tác phẩm sáng tác xong xuôi thì công việc chính của giám tuyển là làm việc với nghệ sĩ để lựa chọn tác phẩm, tìm ra điểm kết nối chung để thiết kế trưng bày và viết bài giới thiệu. Còn có vô vàn các đầu mục nhỏ như quản lý ngân sách, làm hợp đồng, dịch thuật, điều phối kho vận hay trực tiếp dựng triển lãm, giám tuyển.

Chính vì tính chất công việc này mà đôi khi các giám tuyển không nhất thiết cần có bằng cấp cụ thể, họ có thể phát triển thực hành của mình từ nhiều ngành học khác nhau. Nghề giám tuyển cũng không phải quá mới nhưng so với các khoa nghiên cứu khác (chẳng hạn như lịch sử mỹ thuật hay nghiên cứu văn học) thì vẫn khá non trẻ. Và tại Việt Nam, số lượng giám tuyển vẫn chưa nhiều, nếu tính những giám tuyển làm việc liên tục thì con số này cũng chỉ trên dưới 10 người. “Cũng có những người làm được một vài triển lãm thì phải dừng lại, vì không có nhiều hoạt động để tiếp tục. Vì vậy thu nhập cũng chính là điều các giám tuyển lo lắng khi theo đuổi công việc này, hầu như ai cũng phải làm thêm nhiều việc khác như viết lách, cộng tác với các tạp chí, dịch bài…”, giám tuyển Vân Đỗ (Trung tâm Nghệ thuật đương đại Factory) chia sẻ.

Để có thể nhìn nhận vai trò giám tuyển cũng như phát triển ngành nghề này một cách bài bản trong thị trường nghệ thuật, có thể thấy trước hết là ở nhu cầu khán giả và người xem, bởi họ là yếu tố quyết định thành công của triển lãm. Khi khán giả có một thị hiếu thưởng thức nhất định, vai trò giám tuyển ắt hẳn không còn là vị trị “bỏ quên”, nhất là ở môi trường nghệ thuật đang dần có sự chuyển mình như Việt Nam.

Tại Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa mở ngành học đào tạo về nghề giám tuyển.

Có ý kiến cho rằng, ở một số triển lãm nghệ thuật đương đại, đôi khi vai trò của giám tuyển lấn át ý đồ nghệ thuật của nghệ sĩ. Giám tuyển Thuận Uyên bày tỏ: Có những giám tuyển có khả năng tư duy rất thú vị và họ vô cùng sáng tạo, vì vậy trong tương quan một triển lãm, đối thoại của họ với tác phẩm có thể được nhìn nhận là “lấn át”. Khi ấy, triển lãm có thể mang màu sắc của người giám tuyển nhiều hơn. Tuy nhiên việc này xảy ra không nhiều, ngay từ đầu, giám tuyển và nghệ sĩ cần trao đổi cởi mở và thẳng thắn với nhau. Hướng tiếp cận của giám tuyển là một sự “hồi đáp” ý tưởng, thông điệp của người nghệ sĩ.

Tin cùng chuyên mục