Hội thảo: “Truyền hình kỹ thuật số - Thời cơ và thách thức đối với các đài địa phương” trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu truyền hình các đài Phát thành - Truyền hình (PT-TH) phía Nam lần thứ 1-2012 diễn ra vào ngày 23-5 tại Khu du lịch Bửu Long (Đồng Nai), đã thu hút nhiều đại biểu, đại diện các đài PT-TH địa phương và các Công ty truyền thông tham dự.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ra ngày 27-12-2011) về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; theo đó, sẽ chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại các đài PT-TH trên phạm vi cả nước.
Trong lộ trình số hóa từ nay đến năm 2020, vấn đề được tập trung thảo luận nhiều tại hội thảo chính là: thực trạng hạ tầng truyền dẫn phát sóng của các đài PT-TH địa phương hiện nay; định hướng và xu thế truyền thông trong tương lai; các yếu tố giúp phát triển nội dung số ở các đài truyền hình địa phương; giải pháp thực hiện của các đài PT-TH địa phương trong lộ trình số hóa; những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện lộ trình số hóa…
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin Truyền thông, hiện có khoảng 6 trong tổng số 22 triệu hộ gia đình của cả nước chưa có ti vi; 63,69% hộ có ti vi sử dụng truyền hình tương tự mặt đất; 2,5 triệu hộ gia đình đã và đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (PayTV).
TS Phạm Đắc Bi, thuộc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ truyền thông quốc tế, cũng cho biết: “Đến năm 2012, tại VN, analog vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Từ 2015 đến 2018, truyền hình công nghệ số sẽ chiếm ưu thế và đến 2020 mới chấm dứt phát tương tự”.
Một số tham luận khác lại cho rằng, thu nhập của người Việt Nam nói chung hiện nay chưa theo kịp công nghệ kỹ thuật số vì không phải gia đình nào cũng có tiền để trang bị cho mình một bộ đầu thu kỹ thuật số (KTS).
Đại biểu của Đài PT-TH Bình Dương cho rằng: “Phải có chính sách hỗ trợ đầu thu KTS cho các hộ nghèo”. Việc 3 đài lớn – VTV, AVG, VTC và một số doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình vùng được Chính phủ giao trách nhiệm là đơn vị chủ trì chương trình xây dựng và chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sang công nghệ số cũng đặt ra sự lo lắng sẽ có độc quyền, cạnh tranh gay gắt!
Theo ông Đỗ Tiến Thăng – Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thì cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành các qui định cho thuê hạ tầng truyền dẫn, phát sóng và qui định giá cước; đồng thời phải có chính sách xử lý tranh chấp.
Điểm mạnh của truyền hình KTS so với analog là một máy phát có thể phát cùng lúc nhiều chương trình, không bị nhiễu, bị bóng. Việc chuyển đổi số hóa toàn diện là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn với các đài PT-TH địa phương. Khi chuyển qua giai đoạn số hóa, thì các đài PT-TH địa phương không còn quyền phát sóng, việc truyền dẫn phát sóng nằm trong tay 3 đài lớn: VTV, VTC, AVG và 5 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng vùng sẽ đặt các đài truyền hình địa phương vào thế khó khăn hơn khi chỉ thuần túy mua bán, trao đổi chương trình.
NHƯ HOA