Giáo dục đại học: Vượt khó để khẳng định vị thế

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã đạt nhiều kết quả vượt cả kỳ vọng trong năm 2021 ở các tiêu chí quan trọng: chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Được quốc tế ghi nhận

Những kết quả đáng tự hào trước hết là sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Theo bảng xếp hạng công bố trên tạp chí PloS Biology của Hoa Kỳ vào tháng 10-2021, có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng tốp 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.

Theo đó, nhóm tác giả của bảng xếp hạng đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960 đến tháng 8-2021 trong hơn 7 triệu nhà khoa học và lọc ra tốp 100.000 người có ảnh hưởng nhất. Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành). Đặc biệt, năm 2021 có thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước lọt vào bảng xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) làm việc tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học. Ảnh : ĐH Quốc tế
Dù phải thực hiện giãn cách xã hội, học trực tuyến nhưng các nhà khoa học, sinh viên vẫn vượt qua khó khăn để đạt thành tích cao nhất ở các cuộc thi quốc tế về nghiên cứu khoa học. Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã giành giải nhất cuộc thi quốc tế về Tự động hóa 2021 do Hiệp hội Tự động hóa Trung Quốc, Ban Chỉ đạo Giảng dạy Giáo dục Nghề nghiệp Công nghiệp Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc tổ chức với dự án “Smart Inspection for Smart Indoor Shrimp Farming”.
Ngày 2-10, dự án Nanoneem của thầy và trò Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) vượt qua 365 đội thi của 80 trường đại học trên thế giới, đoạt giải quán quân của cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 - Social Business Creation - SBC” diễn ra ở Canada. Tiếp đến là dự án “UEH Zero Waste Campus” của Trường ĐH Kinh tế TPHCM vượt qua 100 dự án từ các ứng viên khắp nơi trên thế giới, đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế “Thử thách thành phố không rác thải” do Tổ chức phi chính phủ Waste Aid cùng nhiều nhà tài trợ quốc tế tổ chức.


Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Việt Nam có 7 cơ sở đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế, gồm: Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong số này, có một số trường đạt chuẩn kiểm định cấp khu vực và cấp quốc tế do tổ chức HCERES (Hội đồng cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp, được công nhận trên toàn châu Âu).

Năm 2020, Việt Nam có 8 trường đại học được xếp hạng trên QS Asia thì năm 2021 có đến 11 trường được xếp hạng và một số trường đại học được xếp hạng trên bảng xếp hạng danh giá nhất toàn cầu của Times Higher Education (Vương quốc Anh). Điều này cho thấy GDĐH của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với GDĐH của toàn cầu.

Tinh thần vì cộng đồng

Ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng là một trong 3 sứ mệnh quan trọng nhất được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp hạng đại học. Minh chứng rõ nhất là các cơ sở GDĐH đã huy động toàn bộ nhân lực, tài lực để cùng cả nước tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo đánh giá của PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đó là tinh thần phục vụ vì cộng đồng của các trường đại học. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và cùng TPHCM tham gia phòng chống dịch.

Tháng 6-2021, ký túc xá khu A và Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh được thiết lập khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 1 của TPHCM với quy mô 5.000 giường bệnh. Đến tháng 8-2021, Bộ Quốc phòng đã thành lập thêm Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D tại ký túc xá khu B, tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân tại TPHCM và Bình Dương với quy mô 2.000 giường…

Song song với các biện pháp phòng chống dịch, các nhóm nghiên cứu tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng như các trường đại học trên cả nước đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ hỗ trợ công tác phòng chống dịch như nước rửa tay sát khuẩn, bồn lấy mẫu và rửa mặt, thiết bị mặt nạ dẫn khí… Cùng với đó, hàng ngàn sinh viên ngành y, sinh viên của các trường đại học trên khắp cả nước đã tình nguyện cùng lực lượng tuyến đầu xung phong đến các vùng dịch để hỗ trợ người dân trong mặt trận chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục