Giáo dục ĐBSCL loay hoay thoát vùng trũng - Bài 2: Khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới giáo dục

Thực trạng giáo dục và đào tạo của ĐBSCL cho thấy còn quá nhiều bất cập, cần được quan tâm đầu tư, cần có những chính sách để phát triển ngang bằng với mặt bằng chung của cả nước.

Còn lắm khó khăn

Để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là giáo dục ĐBSCL tối thiểu phát triển ngang bằng với bình quân chung của cả nước, vấn đề thúc bách hiện nay là các địa phương trong khu vực cần khẩn trương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 37.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem xét đánh giá cơ chế giáo dục của ĐBSCL như là một vùng hải đảo hoặc vùng khó khăn. Vì rõ ràng, qua đánh giá thực trạng giáo dục thì ĐBSCL là vùng trũng của giáo dục, nhiều chỉ tiêu của vùng luôn thấp hơn trung bình cả nước, kể cả thấp hơn các vùng miền núi, hải đảo.

Tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện nay, hầu như chỉ có 2 đến 3 tỉnh tự chủ về ngân sách giáo dục. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh khác, bao gồm cả An Giang, đều nhận sự trợ giúp 50% của ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ ngành giáo dục chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu, còn nhiều khó khăn. Tiêu biểu như về trang bị máy tính cho các cấp học, Sóc Trăng vẫn chưa đảm bảo theo đúng quy định của bộ, việc thực hiện đề án về củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ở giai đoạn 2 vì điều kiện khó khăn của tỉnh; hay đề án Ngoại ngữ, sở tập trung triển khai nhưng do khó khăn về kinh phí nên tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo 6 bậc như quy định của bộ, chưa đầy 50%.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho rằng việc thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp của vùng ĐBSCL gặp không ít khó khăn. Do là vùng nông nghiệp thuần túy lúa nước, nên dân cư thường sống theo tuyến, dọc theo các kênh rạch, việc bố trí trường lớp tản mạn khắp nơi. Ngoài ra, bà Giang đề nghị, cần có một phương thức nhất quán trong việc thi tuyển giáo viên, vì hiện nay phải thi theo Luật Công chức, viên chức. Trong khi đó, nội dung thi theo Luật Công chức, viên chức thì sẽ không phù hợp với ngành nghề của giáo dục.

Một thống kê khác cho thấy, nguồn nhân lực ĐBSCL có trình độ chuyên môn thấp nhất cả nước, số học sinh bỏ học ở các cấp, nhất là cấp THPT cao nhất cả nước. Đây là vấn đề đáng lo ngại, phản ánh sự bất bình đẳng về trình độ học vấn giữa các vùng và là rào cản đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đất này, cũng là rào cản cho sự phát triển nói chung của ĐBSCL. Nếu không cải thiện được tình trạng đó, kinh tế ĐBSCL sẽ phát triển chậm, không theo kịp các địa phương khác.

Ngoài những khó khăn riêng này, ngành giáo dục ĐBSCL còn đối mặt với những bất cập khác do thiếu kinh phí hoạt động như việc thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Cũng vì thiếu kinh phí mà toàn vùng hiện còn hàng trăm xã chưa có trường mầm non độc lập, tình trạng học chung với tiểu học, hay phòng học tạm vẫn còn nhiều.

Giáo dục ĐBSCL loay hoay thoát vùng trũng - Bài 2: Khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới giáo dục ảnh 1 Đường đến trường của không ít học sinh ở ĐBSCL. Ảnh: TẤN THÁI
Đầu tư nên theo hướng đặc thù

Thời gian qua, GD-ĐT vùng ĐBSCL đạt được không ít thành tựu. Mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT phát triển đều khắp, kể cả vùng sâu vùng xa. Từ năm 2006 đến nay, giáo dục mầm non tăng 264 trường (tăng 20%); tiểu học tăng 83 trường (tăng 2,7%); THCS tăng 94 trường (tăng 6,9%) và THPT tăng 28 trường (tăng 7%). Mạng lưới trường lớp được kiên cố hóa, số học sinh đến trường tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm so với trước đây.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT trong vùng còn tổ chức “Đối thoại với đội ngũ nhà giáo và nhân dân về giáo dục” tại từng huyện, thị xã, thành phố; tổ chức “Tiếp sức người thầy”, “Tiếp sức đến trường”, “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở)... nhằm tạo điều kiện tốt nhất thu hút trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trên mặt bằng tổng thể, giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều chỉ tiêu thấp so với cả nước. Để giáo dục ĐBSCL phát triển bền vững, vấn đề đặt ra là ngoài nỗ lực của các địa phương, thì bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ GD-ĐT, cần có nhiều quyết sách chiến lược.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, bộ sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định sát với thực tế cho vùng ĐBSCL. Hiện nay, bộ đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, từ đó biết đâu là “vùng trũng” và trách nhiệm đến đâu của từng bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên, chứ không phải nhìn nhau để phát triển”.

Theo các địa phương, vấn đề cấp bách hiện nay là cân đối bố trí ngân sách cho giáo dục tại địa phương, đảm bảo tối thiểu ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đồng thời, điều chỉnh việc phân bổ ngân sách chi cho các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT một cách hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của địa phương; thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục theo lộ trình, phù hợp với việc cân đối, bố trí các nguồn lực thực hiện, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh việc thực hiện chỉ dựa trên quyết tâm chính trị, duy ý chí để giảm biên chế, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập mà không xem xét đến điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị có uy tín trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về chính sách, cần ban hành cơ chế, chính sách cho vùng ĐBSCL; mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ mẫu giáo 3,4 và 5 tuổi thuộc hộ cận nghèo, trẻ vùng sông nước khó khăn trong việc đến trường, lớp. Nếu chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2021-2025 được thực hiện, cần cho phép các tỉnh ĐBSCL tham gia với các tiêu chí, điều kiện như các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, nhằm giúp các tỉnh trong vùng xóa bỏ các phòng học tạm, tranh tre nứa lá, từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường học cho toàn vùng.

Tin cùng chuyên mục