
* Mời bạn xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu
Buổi giao lưu trực tuyến trên SGGP Online kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ trong ngày 7-8, với chủ đề “Thuế thu nhập cá nhân và những vấn đề liên quan đến chính sách thuế” giữa lãnh đạo Cục Thuế TPHCM và bạn đọc diễn ra khá sôi nổi với những “chất vấn” đến nơi đến chốn. Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn đã công khai số điện thoại riêng của mình là 0903.812.976 và ông khẳng định: “Tôi luôn mở máy và sẵn sàng tiếp nhận những phản ánh của người dân”…
Con đi du học, bố mẹ có lương hưu có được khấu trừ?

Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo SGGP Online. Ảnh: THÀNH TÂM
Có đến hơn 20 câu hỏi về việc khấu trừ thuế như thế nào, có lẽ đây là vấn đề mà bạn đọc quan tâm nhiều nhất. “Hàng tháng, tôi gởi tiền về phụng dưỡng cha mẹ già ở quê (cha mẹ tôi sống với anh trai của tôi- làm nông, thu nhập không ổn định), vậy tôi có được khấu trừ phần phụng dưỡng cha mẹ ở quê hay không?” – bạn Đức Minh, nhà ở quận 4 hỏi – “Nếu phụng dưỡng cha mẹ già đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập không vượt quá mức do Chính phủ quy định thì bạn được tính giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc với mức 1,6 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cũng giải thích thêm rằng, mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế trong năm tính thuế. Do vậy, nếu các đối tượng nộp thuế có chung người phải nuôi dưỡng thì các đối tượng này tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh. Riêng việc kê khai người phụ thuộc do đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai”- Cục trưởng Nguyễn Đình Tấn trả lời.
Tương tự, một bạn đọc ở địa chỉ minhchau190405@yahoo.com.vn hỏi tiếp: “Tôi phải phụng dưỡng cha mẹ (cha mẹ tôi có lương hưu), tôi có được khấu trừ thuế TNCN không? Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế cho biết, người nghỉ hưu nhưng có thu nhập là lương hưu thì không được xem là đối tượng giảm trừ thuế vì gia cảnh.
Bạn đọc ở địa chỉ hoxuanhuong5420@yahoo.com.vn hỏi cụ thể hơn: “Tôi có 2 con đi du học nước ngoài khoảng 70.000 USD/năm. Tôi còn phụng dưỡng mẹ già 81 tuổi. Vậy tôi được khấu trừ thuế TNCN như thế nào? Ông Nguyễn Đình Tấn trả lời khá cụ thể: “Mức giảm trừ gia cảnh cho 3 người phụ thuộc mà bạn phải trực tiếp nuôi dưỡng và không có thu nhập là 4,8 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ gia cảnh của bản thân là 4 triệu đồng/tháng, tổng cộng là 8,8 triệu đồng/tháng. Sau khi đã trừ 8,8 triệu đồng thì thu nhập chịu thuế còn lại của bạn sẽ áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để xác định số thuế thu nhập phải nộp”.
“Theo tôi được biết, nhận di sản thừa kế cũng phải nộp thuế TNCN. Vậy cha tôi chết để lại căn nhà, nếu tôi kê khai nhận di sản thừa kế trong năm nay thì không phải chịu thuế TNCN, nếu kê khai sau tháng 1-2009 thì phải chịu thuế?”- bạn Nguyên Hà hỏi. “Thu nhập từ hưởng thừa kế bất động sản do cha, mẹ để lại thuộc thu nhập miễn thuế TNCN”- bà Trần Thị Lệ Nga cho biết.
Chị Bích Ngà, một viên chức ở quận Tân Phú thắc mắc về số con được khấu trừ thuế. Bà Trần Thị Lệ Nga giải thích, theo Luật Thuế TNCN thì con chưa thành niên và con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không có thu nhập hoặc thu nhập không vượt mức quy định đều được giảm trừ gia cảnh, tức việc giảm trừ không giới hạn số lượng.
Mua - bán nhà đất, cổ phiếu lỗ thì sao?
Bà Trịnh Thị Kim Nga (quận 5) đặt vấn đề, khi người dân sang nhượng đất có lợi nhuận thì phải đóng thuế TNCN bằng 25% (bằng với thuế thu nhập doanh nghiệp), vậy nếu bị lỗ thì sao? “Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua (có tính các chi phí liên quan đến việc mua và chuyển nhượng). Tuy nhiên, việc khấu trừ được xem xét khi đối tượng nộp thuế có hồ sơ, chứng từ hợp lệ chứng minh. Như vậy, nếu lỗ, bạn không phải nộp thuế”.

Kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM
Trường hợp của chị Thảo Nguyên (quận 10) bức xúc hơn, chị mua đất từ năm 1996, nay sang nhượng, so về tiền thì có lời nhưng so về giá trị thì bị lỗ, vì đồng tiền mất giá, lãi suất ngân hàng tăng… Chị hỏi: “Vậy tôi có được khấu trừ những phần đó trong việc xác định lợi nhuận không?”.
Ông Nguyễn Đình Tấn cho biết: “Có 2 cách tính thuế: cách 1, nộp thuế theo diện kê khai, nếu chị vay tiền để mua đất có đầy đủ hồ sơ, chứng từ vay và trả lãi vay hợp lệ thì khoản vay này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp không có đủ hồ sơ chứng từ xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản, thì chỉ phải nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản”.
Cũng là vấn đề tính thuế suất, bạn đọc ở địa chỉ hoasenbsggp@yahoo.com thắc mắc: “Nếu tôi bán cổ phiếu, lời thì phải đóng thuế, còn bị lỗ thì tôi có được khấu trừ thuế hay không?”. Cục trưởng trả lời: “Bạn là “cá nhân cư trú”, đối với chuyển nhượng chứng khoán, bạn được lựa chọn 2 phương pháp tính thuế: (1). nộp theo từng lần chuyển nhượng, thuế suất 0,1% trên toàn bộ giá trị chuyển nhượng, không phải quyết toán thuế năm. (2). Áp dụng thuế suất 20% trên thực lãi cả năm (đã bù trừ lãi lỗ giữa các lần chuyển nhượng), nếu lỗ thì không phải nộp thuế TNCN. Cần lưu ý, nếu áp dụng phương pháp này bạn phải đăng ký với cơ quan thuế từ đầu năm”.
Bạn đọc khác lại thắc mắc, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) có bị tính thuế không?- Bà Trần Thị Lệ Nga trả lời, góp vốn bằng giá trị QSDĐ thì không phải tính thuế GTGT, tính thuế TNDN. Trường hợp khi góp vốn bằng tài sản, lập hóa đơn GTGT, dòng thuế suất và tiền thuế GTGT không ghi gạch chéo, hóa đơn này chỉ là căn cứ để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Đóng thuế không công bằng, phản ánh ở đâu?
Bạn đọc ở địa chỉ quochungqs@yahoo.com phản ứng: “Thuế TNCN chưa công bằng, cụ thể như nguời có mức thu nhập cố định thì bị tận thu triệt để, trong khi đó giới bác sĩ có phòng mạch tư, ca sĩ, tiểu thương thì khó mà truy thu thuế cá nhân. Như vậy làm sao ngành thuế thu thuế trong giới này một cách công bằng như chúng tôi?”.
Cục trưởng Nguyễn Đình Tấn cho biết: “Hiện nay, những người buôn bán và bác sĩ có phòng mạch tư đều phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNDN; còn các ca sĩ phải kê khai nộp thuế TNCN. Từ 1-1-2009, tất cả các đối tượng trên đều phải kê khai nộp thuế TNCN. Cơ quan thuế sẽ có biện pháp thu thuế đối với từng đối tượng để đảm bảo thu thuế công bằng và chống thất thu thuế”.
Vẫn không hài lòng, bạn đọc này hỏi tiếp: “Vậy trong thời gian qua, giới nghệ sĩ, bác sĩ nguời đóng thuế cao nhất là ai? Họ có tự giác hay phải kêu gọi, nhận định, đánh giá của ông về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của các giới này?”- Giới nghệ sĩ, bác sĩ đã có nhiều cố gắng trong việc kê khai nộp thuế TNCN. Tên tuổi cụ thể của người nộp thuế TNCN cao nhất thì rất tiếc, chúng tôi không thể công bố rộng rãi được.
Khi câu hỏi không được trả lời rõ ràng, bạn quochungqs@yahoo.com đặt vấn đề tiếp: “Thưa ông, khó nhất hiện nay là khoản thu nhập của hầu hết các đối tuợng là không minh bạch, không rõ ràng và do đó sẽ dẫn đến không công bằng. Thực tế, có người thu nhập ít hơn nhưng bị đóng thuế nhiều hơn. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế?”.
Cảm ơn ý kiến này, Cục trưởng Nguyễn Đình Tấn thừa nhận: “Chúng tôi biết hiện trạng này đang xảy ra, tuy nhiên các chế độ chính sách sẽ được hoàn chỉnh dần. Việc các khoản thanh toán sẽ được thông qua ngân hàng, các khoản thu nhập cá nhân sẽ được trả vào các tài khoản cá nhân... là bước khởi đầu để tạo ra sự công khai minh bạch, hạn chế dần việc trốn thuế, tạo sự công bằng cho mọi người trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế”.
Không chỉ hỏi về các quy định, nhiều bạn đọc đã quay qua vấn đề “làm sạch ngành thuế”. Một bạn đọc nói: “Khi có thắc mắc về thuế, chúng tôi không thể hỏi đơn vị quản lý thuế vì họ khó khăn, hách dịch lắm. Ngoài ra, chúng tôi sợ nhất là đi mua hóa đơn GTGT, nhiêu khê cửa quyền lắm!” - Ông Nguyễn Đình Tấn đề nghị: “Những phản ánh về việc các đơn vị, cá nhân trong ngành thuế có biểu hiện quan liêu, hách dịch, xin vui lòng nêu rõ cụ thể và gửi trực tiếp cho tôi hoặc Phòng Thanh tra Nội bộ Cục Thuế TPHCM”.
Ông Võ Kinh Tế, ngụ nhà số 237 Âu Cơ, phường 12, quận Tân Bình thẳng thắn: “Hiện nay, nhân viên ngành thuế vẫn còn “sách nhiễu” doanh nghiệp nhưng tố giác họ, lại bị làm khó. Như vậy, DN làm sao dám tố giác tiếp? Nếu bị làm khó dễ, ông có cách gì để bảo vệ DN chúng tôi, thưa ông?”.
Ông Tấn cam đoan sẽ xử lý nghiêm những trường hợp như bạn đọc đã nêu. Vì thế, xin nêu cụ thể và chính xác sự việc, gửi trực tiếp cho ông hoặc Phòng Kiểm tra Nội bộ Cục Thuế TPHCM. Lập tức ông Võ Kinh Tế hỏi: “Ông có thể cho tôi số điện thoại di động của ông và đảm bảo mở, nghe máy khi tôi gọi?”. Ông Nguyễn Đình Tấn không ngần ngại trả lời: “Số điện thoại của tôi là 0903.812.976. Tôi luôn mở máy và sẵn sàng tiếp nhận những phản ánh của ông và người dân”.
Buổi giao lưu kết thúc trong sự nuối tiếc vì hết thời gian. Vì vậy, Cục Thuế cho biết, nếu quý độc giả có thắc mắc các vấn đề liên quan đến thuế, hãy tiếp tục liên hệ với Phòng Thông tin - Hỗ trợ, Cục Thuế TPHCM, ĐT 9.330877, email: giaidapthue.hcm@gov.vn, để được giải đáp.
Biểu thuế lũy tiến từng phần

HÀN NI