Để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông các tháng còn lại của năm 2015 và quý 1 năm 2016, nhiều giải pháp tổng hợp đã và sắp được ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM triển khai.
Thành phố đang bước vào những tháng cuối năm, trong đó có lễ hội lớn nhất trong năm như lễ Noel, Tết Dương lịch 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân. Đây cũng là thời điểm giao thông đi lại “nóng” nhất trong năm, áp lực giao thông cũng lớn hơn bao giờ hết.
Vòng xoay ngã Sáu Gò Vấp được mở rộng giúp người tham gia giao thông thuận lợi Ảnh: CAO THĂNG
Chính vì thế, ngay từ đầu quý 4-2015, Sở GTVT TPHCM đã đề ra một loạt giải pháp mang tính tổng hợp và yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc sở khẩn trương triển khai thực hiện nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian này.
Các giải pháp đó tập trung vào tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, xử lý các điểm nóng giao thông; nghiên cứu triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người đi bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông… Từ các giải pháp này, tùy theo đặc thù của từng điểm nóng giao thông mà các đơn vị trực thuộc ngành GTVT thành phố sẽ có cách triển khai, giải quyết phù hợp.
Có thể lấy các điểm nóng giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp làm ví dụ. Một trong số các điểm nóng là khu vực giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ. Nút giao này trở thành điểm nóng giao thông do đặc thù cách giao lộ 70m là ngôi chợ Hạnh Thông Tây khá bề thế và phía đối diện là một nhà thờ lớn, nhà thờ Hạnh Thông Tây. Lâu nay, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hai địa chỉ này, ngành chức năng khi dựng dải phân cách đã để chừa một khoảng mở ngay trước chợ Hạnh Thông Tây và nhà thờ Hạnh Thông Tây. Do có khoảng mở này nên người, xe băng qua băng lại giữa hai chiều đường giao thông, cộng với giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ nằm cận kề vốn dĩ có mật độ người và xe lớn, đặc biệt trong các giờ cao điểm, vì thế nơi đây trở thành điểm nóng giao thông là chuyện không khó hiểu. Phương án giải quyết mới nhất vừa được đưa ra bởi Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - đơn vị thay mặt Sở GTVT đảm trách địa bàn, đó là đóng khoảng mở phía trước chợ Hạnh Thông Tây kết hợp mở rộng diện tích mặt đường Quang Trung lề bên phía đường Lê Văn Thọ thêm khoảng 1-2m. Song song đó là vạt góc vỉa hè ngay đầu đường Lê Văn Thọ để tăng thêm không gian cho xe cộ rẽ quẹo.
Một điểm nóng khác cũng thuộc địa bàn quận Gò Vấp là giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn. Một trong những nguyên nhân hình thành điểm nóng này có lẽ là việc xe tải và xe buýt không được đi thẳng trên đường Nguyễn Văn Nghi (bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Văn Nghi - Nguyễn Thái Sơn) để đến giao lộ ngã sáu Gò Vấp mà xe tải và xe buýt từ đường Nguyễn Văn Nghi sẽ rẽ phải xuống Nguyễn Thái Sơn để ra Phan Văn Trị. Giải pháp được ngành chức năng xây dựng để giải quyết điểm nóng này là mở rộng một phần mặt đường cho cả đường Phan Văn Trị lẫn đường Nguyễn Thái Sơn. Cụ thể, đường Nguyễn Thái Sơn sẽ được mở rộng phía bên trái, đoạn từ Nguyễn Văn Nghi đến Phan Văn Trị còn đường Phan Văn Trị được mở rộng phía bên phải cho đoạn từ Nguyễn Thái Sơn về phía ngã sáu Gò Vấp. Cả hai đoạn mở rộng này có cùng kích thước là từ 2-2,5m cho mỗi đường, tức là tăng thêm một làn xe lưu thông nữa. Cùng lúc với việc mở rộng mặt đường, ngành chức năng cũng sẽ dịch chuyển dải phân cách sang vị trí mới rồi phân bố lại làn đường thích ứng với phần đường mở rộng.
Tại quận 12, một điểm nóng giao thông có thể nhắc đến là ngã tư An Sương. Các chuyên viên cho biết, trong khi chờ đợi giải pháp dài hạn và căn cơ là xây dựng hầm chui An Sương, trước mắt cơ quan chức năng chọn giải pháp mở rộng thêm khoảng 3m tại góc quốc lộ 22 - quốc lộ 1 bằng cách điều chỉnh lại tiểu đảo ở đây. Hiện nay, ô tô và xe 2 bánh cùng đi chung làn khi rẽ phải từ quốc lộ 22 sang quốc lộ 1 vì thế việc mở rộng góc cua này không chỉ làm tăng diện tích đường dành cho giao thông mà còn giúp tách làn rẽ phải giữa ô tô và xe 2 bánh.
Toàn bộ những điều chỉnh nêu trên được cơ quan chức năng khẳng định sẽ thực hiện kịp trước Tết Dương lịch 2016.
Ngoài ra, như một quy luật “ăn theo” thường có, đi kèm với mùa lễ hội cuối năm và đón năm mới là sự bùng phát kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tập trung vào công tác kiểm tra, thu hồi giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, đậu xe 2 bánh, ô tô không còn phù hợp, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Trong vấn đề này, trách nhiệm chính và trước tiên thuộc về chính quyền các quận, huyện.
THIỆN NHÂN
Ý kiến
Xử phạt nghiêm ô tô đi vào làn xe 2 bánh
Về nguyên tắc, tất cả các phương tiện đều phải lưu thông đúng làn đường được quy định. Xe gắn máy 2 bánh đi vào làn đường ô tô là sai và ngược lại, ô tô đi vào làn đường xe gắn máy 2 bánh cũng là vi phạm luật. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ muốn đề cập đến hiện tượng ô tô đi vào làn đường của xe gắn máy 2 bánh đang diễn ra ngày một nhiều ở TPHCM. Bởi lẽ, việc này đang gây ra những nguy hiểm khôn lường cho người đi xe gắn máy 2 bánh.
Vì kích cỡ nhỏ, phần diện tích đường, làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh thường chiếm diện tích ít hơn làn đường dành cho ô tô. Đặc biệt, mỗi khi tới gần các giao lộ, với ưu thế về kích cỡ nhỏ, xe gắn máy 2 bánh thường vượt qua giao lộ nhanh hơn ô tô. Lợi dụng điều này, nhiều ô tô cá nhân, nhất là các xe taxi thường lấn vào làn đường của xe gắn máy 2 bánh để đi cho nhanh, bất chấp những nguy hiểm có thể gây cho người sử dụng xe gắn máy. Người viết bài này đã chứng kiến nhiều lần xe taxi ép người đi xe gắn máy 2 bánh loạng choạng suýt ngã. Cũng may, khi gần vào giao lộ, các xe thường đi chậm nên chưa xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng... Sự không tuân thủ nghiêm luật giao thông trước hết làm cho giao thông hỗn loạn và sau nữa, bên cạnh những nguy hiểm có thể xảy ra cho người đi xe gắn máy 2 bánh, đó còn là sự coi thường luật pháp. Rất mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hiện tượng này.
TÂM ĐỨC
Tăng cường đèn giao thông cho hướng rẽ trái
Hiện nay nhiều ngã tư ở khu vực trung tâm TPHCM chỉ có đèn xanh và đèn đỏ cho chung ba hướng đi: đi thẳng, rẽ trái và rẽ phải. Điều này đã tạo ra một bất cập là nếu không đi sát lề trái hoặc sát dải phân cách thì khi rẽ trái, dòng xe rẽ trái sẽ cản đường dòng xe đi thẳng. Dòng xe đi thẳng và dòng xe rẽ trái sẽ phải tìm cách tránh nhau ngay giữa giao lộ… Như vậy, vừa làm mất thời gian của người đi đường vừa làm tốc độ lưu thông của các phương tiện giao thông bị chậm lại.
Thời gian trước đây, TPHCM đã từng thí điểm lắp thêm pha đèn dành cho hướng rẽ trái tại một số giao lộ như ngã tư Phú Nhuận… Tuy nhiên, do lúc ấy công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân chưa được chuẩn bị chu đáo nên thí điểm này đã không thành công. Đáng lẽ, khi gần đến ngã tư, nếu rẽ trái người đi xe sẽ phải điều khiển xe tới khu vực dành cho người rẽ trái. Người đi thẳng cũng có khu vực dừng đậu riêng. Đèn xanh của hướng giao thông nào bật sáng thì dòng xe đi hướng đó sẽ đi… mà không bị dòng xe khác ngăn cản. Mấu chốt của vấn đề, các xe khi tới gần nút giao thông phải dừng, đậu đúng chỗ được quy định. Thế nhưng, nhiều người lại chưa biết điều này…Một số người không dừng, đậu đúng nơi quy định. Số khác, dừng đậu chiếm hết lối đến nơi dừng, đậu theo quy định của các phương tiện giao thông khác. Hậu quả là, pha đèn rẽ trái được gắn thêm đã không phát huy được hiệu quả. Ngành chức năng buộc phải tháo gỡ nó.
Thế nhưng, từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Hiện ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người đã tốt hơn. Tại nhiều giao lộ, nhiều người đi thẳng và rẽ trái khi dừng chờ đèn xanh đã chủ động chừa một lối cho người rẽ phải đi trước. Ngoài ra, ở một số nút giao thông như ở khu vực Hàng Xanh… đã có lắp thêm tín hiệu đèn giao thông cho hướng rẽ trái. Như vậy, có lẽ đã đến lúc ngành chức năng nên nghiên cứu lắp thêm pha đèn giao thông cho hướng đi trái nhằm tăng cường năng lực giao thông cho các nút và giúp các phương tiện giao thông qua nút nhanh hơn.
SƠN LAM