Chủ nhật vừa qua, một người bạn của tôi từ Hải Phòng vào TPHCM trên chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, xuất phát lúc 16 giờ 30, đã phải ngồi trên máy bay thêm nửa giờ so với hành trình dù đã nhìn thấy ánh sáng đèn đêm của TPHCM vì sân bay Tân Sơn Nhất không còn chỗ cho máy bay hạ cánh. Chưa hết, xuống đến sân bay, bạn tôi lại phải đợi thêm khoảng 20 phút mới bắt được taxi và mất thêm khoảng 15 phút để taxi vượt qua được khu vực đường Trường Sơn. “Khủng khiếp quá. Thời gian chờ đợi bằng 2/3 thời gian bay” đó là câu đầu tiên mà bạn tôi nói với tôi khi gặp nhau.
Có lẽ do bạn tôi khá nóng tính nên mới thấy đợi 1 tiếng đã kêu trời. Trên thực tế, những chuyện như bạn tôi gặp phải, từ lâu đã trở thành… chuyện thường ngày ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan đã họp và có một số giải pháp để xử lý. Điều chỉnh lại giờ bay theo hướng, tránh tập trung vào những giờ nhất định như từ khoảng 7 giờ tới 11 giờ và từ 14 giờ tới 18 giờ… cũng là khoảng thời gian mà giao thông tại TPHCM - đoạn qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Khuyến khích các hãng hàng không “bay” vào ban đêm bằng các biện pháp kinh tế như hỗ trợ một số dịch vụ, giảm phí. Tổ chức, sắp xếp lại việc đưa đón khách bằng taxi nhằm rút ngắn thời gian phải chờ đợi của hành khách… Thế nhưng, vấn đề là, đi lại vào ban ngày đã là thói quen của không ít người dân Việt Nam. Việc điều chỉnh giờ bay của các hãng hàng không vì thế cần có thời gian. Quan trọng hơn nữa, các giải pháp nhằm làm giảm tình trạng quá tải trong khu vực sân bay và giao thông kết nối đến sân bay, hiện chưa thể thực hiện một cách căn cơ. Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã tiến hành điều chỉnh lại giao thông cho khu vực này theo hướng “một chiều hóa” các tuyến đường kết nối với trục đường chính đi qua sân bay Tân Sơn Nhất: đường Trường Sơn nhưng cũng mới chỉ làm giảm áp lực cho các tuyến đường này. Giao thông trên trục đường chính là đường Trường Sơn hầu như chưa được cải thiện là bao. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có kế hoạch xây cầu vượt tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh và nút giao thông trước sân bay nhưng dự án mới trong giai đoạn xin chủ trương và chuẩn bị thực hiện. Căn cứ vào các quy trình thủ tục đầu tư hiện nay, ít nhất 2-3 năm nữa những cây cầu vượt này hình thành. Hãy cứ hình dung, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã đón hành khách thứ 25 triệu/năm, cán mức chỉ tiêu hành khách của những năm 2020 theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 tầm nhìn đến nằm 2030. Nếu lấy mức tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành hàng không: 20% để ước tính ra số lượng hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới, sẽ thấy áp lực về giao thông cho khu vực này lớn đến mức như thế nào. Chưa kể, đường Phạm Văn Đồng thông xe toàn tuyến, kết nối liên hoàn với đường Trường Sơn sẽ hút một lượng người lưu thông không nhỏ từ hướng quận Gò Vấp, Thủ Đức… dù không vào sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vẫn sẽ dùng đường Trường Sơn để đi về phía trung tâm hoặc về hướng Tây của thành phố. Thật không dám tưởng tượng giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ra sao nếu TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải không có những giải pháp mang tính đột phá.
Ít nhất, khoảng 10 năm nữa sân bay Long Thành mới có thể đi vào hoạt động (nếu việc đầu tư được triển khai ngay từ lúc này). Trong thời gian từ đây đến đó, thật lo cho giao thông ở khu vực cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất.
NGUYỄN KHOA