Giao thông nội thành đã thoáng hơn

Mở rộng làn đường xe máy và có những điều chỉnh nhỏ như mở dải phân cách hợp lý, lắp thêm bảng hướng dẫn đi vào những đường nhỏ thông với đường lớn… Đó là những giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả ở nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, giúp giao thông nội thành TPHCM thoáng hơn.
Giao thông nội thành đã thoáng hơn

Mở rộng làn đường xe máy và có những điều chỉnh nhỏ như mở dải phân cách hợp lý, lắp thêm bảng hướng dẫn đi vào những đường nhỏ thông với đường lớn… Đó là những giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả ở nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, giúp giao thông nội thành TPHCM thoáng hơn.

Mở rộng làn đường xe máy

Anh Cao Anh Minh (ngụ tại huyện Bình Chánh) kể: “Trước đây tôi rất bực mình mỗi khi đi làm trên đường Võ Văn Kiệt, vì làn đường xe hai bánh ở chiều ra quận 1 quá hẹp, vào giờ cao điểm xe máy không thể nào chạy nhanh được, bị ùn ứ nối đuôi theo nhau. Chỉ một vụ va quẹt phía trước là xảy ra ùn tắc ngay lập tức. Trong khi bên làn đường ô tô thì ít xe, việc bố trí lưu thông như vậy không phù hợp. Sau này, làn đường xe máy đã được mở rộng ra thêm, bằng cách nới dải phân cách ra, giảm chiều rộng làn đường ô tô, phù hợp thực tế lượng xe máy lưu thông rất lớn. Từ đó, tôi chạy xe máy đi làm nhanh hơn, thuận tiện hơn. Nếu ngành giao thông quan tâm điều chỉnh hợp lý như vậy cho những tuyến đường khác, tình trạng ùn tắc giao thông ở nội thành TPHCM sẽ giảm hẳn”.

Nhờ nâng các cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường dọc bờ kênh đã thông, xuyên suốt nhiều quận, giúp giảm ùn tắc giao thông nội thành vào giờ cao điểm.

Có thể ghi nhận những điều chỉnh hợp lý tại một số tuyến đường lân cận đã làm nút giao thông Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn thông thoáng, không còn tình trạng ùn tắc kéo dài như trước. Cụ thể, trên đường Tôn Đức Thắng, một phần vỉa hè đã được mở thành làn đường xe máy, ngăn cách bởi dải phân cách cố định, việc rẽ phải được thuận lợi. Tại giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm, dải phân cách cố định đã được mở ra cho xe lưu thông từ Nguyễn Thị Minh Khai ra Nguyễn Hữu Cảnh. Trên tuyến đường Cộng Hòa và Trường Chinh (quận Tân Bình), trước đây đèn tín hiệu giao thông điều chỉnh không hợp lý đã khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. Cuối tháng 6, Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm tổ chức lại giao thông vào giờ cao điểm, bằng cách lắp dải phân cách di động tại các giao lộ Tân Kỳ Tân Quý, Ấp Bắc, xe máy được chạy trên một phần làn ô tô của đường Trường Chinh. Nhờ vậy, giao thông trên đường Trường Chinh thông thoáng hơn, dòng xe máy thoát nhanh hơn. Đường Cộng Hòa cũng tương tự, tình trạng ùn tắc đã giảm rõ rệt. Chị Phan Phương Thảo (ngụ quận 12, đang làm việc tại quận 1) cho biết: “Việc điều chỉnh giao thông trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh rất hợp lý và hiệu quả. Trước đây, đi về qua 2 đường này phải mất khoảng 30 phút (chưa kể khi kẹt xe), giờ đây chỉ còn mất 15 phút. Nhờ vậy mà tôi không phải đi sớm về khuya nữa”.

Một giải pháp khác cũng đã được thực hiện ở nhiều tuyến đường là cấm ô tô lưu thông ngược chiều, hay là cấm rẽ vào giờ cao điểm… đã giúp giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thông xe nhờ nâng các cầu, mở đường hầm dưới cầu và mở thêm đường thông với các giao lộ, giảm tải cho nhiều tuyến đường khác.

Tiếp tục nghiên cứu khắc phục ùn tắc

Tuy vậy, vẫn còn nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc giao thông, nhất là ngã tư Bốn Xã, chỉ vắng cảnh sát giao thông đứng chốt một chút là lập tức xảy ra kẹt xe. Đây là nút giao thông quan trọng đi qua nhiều quận, nhưng tại khu vực này, làn đường hẹp, lượng ô tô lưu thông rất lớn (từ 6 tuyến đường dồn về). Tương tự, ở quận Bình Thạnh, đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13 luôn xảy ra ùn tắc do đường hẹp, xe đông. Không chỉ vào giờ cao điểm mà hầu như bất kỳ giờ nào, mật độ giao thông trên những tuyến đường này đều rất lớn. Người dân nơi đây mỏi mòn chờ dự án nâng cấp mở rộng đường, mà vẫn chưa thấy đâu.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, khu vực ngã tư Bốn Xã thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm và giờ xe tải được phép lưu thông, chủ yếu là do diện tích giao lộ hẹp, giao lộ có nhiều tuyến đường giao nhau, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ diễn ra thường xuyên làm thu hẹp mặt đường và giảm khả năng thoát xe. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã đề xuất nhiều giải pháp trước mắt nhằm cải thiện tình hình giao thông tại giao lộ, như lắp đặt đèn tín hiệu giao thông hoạt động theo chế độ 3 pha, cải tạo kích thước hình học ở giao lộ (các vị trí còn đất và không vướng đền bù giải tỏa); đồng thời đề nghị UBND quận Tân Phú và quận Bình Tân chỉ đạo các lực lượng liên quan chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ nghiên cứu các phương án xây dựng cầu vượt tại giao lộ này.

Để giao thông nội thành thoáng hơn, trong thời gian chờ các dự án lớn theo quy hoạch được triển khai, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ nghiên cứu thực hiện các giải pháp tức thời, như mở làn rẽ phải tại giao lộ Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Ngũ Lão (quận 1), tổ chức giao thông lại khu vực Hồng Lạc - Phạm Phú Thứ - Võ Thành Trang (quận Tân Bình), khu vực hương lộ 2 (quận Bình Tân)...

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục