(SGGPO).- Trong không khí trang nghiêm, thành kính hướng về nguồn cội, sáng 12-4, tức 10-3 âm lịch, tại núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước do Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân, bà con kiều bào… đã tiến hành Lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương theo nghi thức nhà nước.
Tại Điện Kính Thiên trên Đền Thượng, thay mặt các thế hệ con cháu Lạc Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc, chủ tế, đã đọc chúc văn ca ngợi công đức của các vua Hùng, những người đã có công xây dựng nên nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Các đoàn đại biểu và người dân sau đó đã tham dự lễ dâng hoa trước phù điêu có hình tượng Bác Hồ đang nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Giếng. Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã có buổi gặp gỡ với đông đảo bà con nhân dân về tham dự ngày giỗ Tổ.
Năm nay, tiết trời thuận lợi cho hành trình về với đất Tổ, giỗ Quốc Tổ và trẩy hội Đền Hùng. Ngay từ khi trời còn chưa sáng hẳn, hàng ngàn người đã nối bước nhau lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, hướng về Đền Thượng. Sau khi hành lễ, cầu khấn một năm mới bình an cho bản thân, cho gia đình cũng như cầu những điều tốt lành cho đất nước, mỗi người dân có thể tham gia các lễ hội đang tưng bừng diễn ra tại khu di tích Đền Hùng và các vùng phụ cận.
Trong những ngày này, trên đất Tổ, hàng vạn người dân đã được chứng kiến lễ Rước kiệu của các xã vùng ven khu di tích về đền Hùng, cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc khác như: đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy... với sự tham gia của nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước.
* Sáng nay, hòa vào không khí chung của cả nước, người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
9 giờ sáng, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được long trọng tổ chức tại Đền thờ Vua Hùng-Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Các địa điểm văn hóa như khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên, Dinh Độc Lập … cũng thu hút nhiều người dân trong và ngoài thành phố đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày lễ 10/3.
* Cũng trong sáng nay, tại đền thờ vua Hùng trong khu du lịch thác Prenn (TP Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã trang trọng tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng vương.
Hàng chục đoàn đến từ các địa phương, đơn vị trong tỉnh và du khách đã mang lễ vật (bánh chưng, bánh dày và hoa quả) đến khu đền thờ thành kính dâng hương tưởng niệm các vị vua đã có công dựng nước. Sau lễ tế các vua Hùng, đám rước kiệu và lễ dâng hương, tại khu du lịch thác Prenn đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá - nghệ thuật và trò chơi dân gian. Lãnh đạo khu du lịch thác Prenn cho biết, thống kê sơ bộ trong buổi sáng đã có trên 15.000 du khách và người dân đến dự lễ hội giỗ Tổ, tăng 50% so với năm ngoái.
Tại đền thờ Quốc Tổ Hùng vương trên đường Ngô Quyền (TP Đà Lạt) cũng diễn ra nhiều hoạt động trong ngày giỗ Tổ, thu hút hàng nghìn người dân tham dự.
Do dịp giỗ Tổ năm nay được nghỉ 3 ngày nên lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt đông đột biến. Từ trưa ngày 10 đến sáng 12-4, các tuyến phố Đà Lạt luôn nườm nượp người xe, trong đó, các giờ cao điểm đã xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ tại một số đoạn đường như: 3 Tháng 2, Phan Bội Châu… Lượng du khách và người dân Đà Lạt đổ về các khu, điểm du lịch cũng đã tăng mạnh. Theo thống kê sơ bộ, trong 2 ngày qua, khu du lịch Đồi Mộng Mơ đón khoảng 6.500 khách tham quan, tăng 30% so với dịp giỗ Tổ năm ngoái; Thung lũng Tình yêu đón 6.000 lượt, tăng khoảng 20%; Vườn hoa Đà Lạt đón khoảng 4.000 khách, tăng 28%; Thác Prenn đón 3.500 lượt, tăng 20% so năm ngoái (riêng ngày giỗ Tổ, thác Prenn đón khách miễn phí).
* Tại Đền thờ Vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh, TP Pleiku, nhân dân tỉnh Gia Lai đã nô nức về tham dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương trong không khí trang nghiêm, thành kính (ảnh). Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 10km, Đền thờ Vua Hùng ở Gia Lai được xây dựng trong Công viên Đồng Xanh. Tại đây, ngoài việc đặt tượng 18 vị Vua Hùng, trong công viên còn có phiên bản Chùa Một cột…
* Sáng 12-4, hàng ngàn người từ khắp nơi về Đền thờ Vua Hùng (tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) để cúng Giỗ Tổ. Theo các bậc cao niên ở địa phương, đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau đã có cách đây hàng trăm năm, từ thời khai khẩn vùng đất Đầu Nai (xã Tân Phú) và mở con kênh đào Bạch Ngưu để lưu thông, vận chuyển lúa gạo.
* Sáng cùng ngày, hàng ngàn người dân tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… đã tề tựu về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại đây được nhân dân địa phương xây cất vào năm 1957 và từng bước được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng khuôn viên đạt 20.000m², được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Dòng người ồ ạt về TPHCM sau Giỗ Tổ Nhân dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch, hàng chục ngàn lượt du khách đổ về các khu vui chơi, giải trí tại TPHCM. Đại diện ban quản lý các khu du lịch cho biết lượng khách tăng gấp 4 lần so với ngày thường và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, lượng khách tới tham quan, vui chơi trong ngày 12-4 ước khoảng 30.000 – 40.000 lượt người. Tối 12-4, tại đây diễn ra các chương trình: đọc chúc văn, tế võ, dâng lễ vật, dâng hương... Ngoài ra còn có các tiết mục ca múa nhạc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Nguyễn Phi Hùng… Du khách còn được tham gia các trò chơi như: Vua Hùng kén rể, thi ăn bánh chưng nhanh nhất, thi đấu ô quan, bịt mắt đập niêu, hội thi đua thuyền rồng “Tuổi trẻ thành phố anh hùng hướng về đất Tổ”. Riêng Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, lượng khách ước tới 80.000 lượt. Trong ngày cuối cùng kỳ nghỉ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, người dân bắt đầu trở về TPHCM, khiến các cửa ngõ ra vào thành phố ùn tắc cục bộ. Cửa ngõ phía Đông, đường từ các tỉnh miền Trung, Vũng Tàu, Nha Trang... về TPHCM sáng qua bắt đầu đông hơn mọi ngày. Ở khu vực trước cửa Bến xe miền Đông, sáng sớm đã xảy ra ùn ứ cục bộ. Các tuyến xe buýt có lượng khách đi lại đông như: Bến xe An Sương - Đền Hùng, Suối Tiên - Bến Thành, Suối Tiên - Bến xe An Sương, Tân Vạn - Chợ Lớn, Bến xe miền Đông - Đầm Sen. Một số tuyến xe buýt liên tỉnh ở TPHCM đi Bình Dương, Tây Ninh... cũng quá tải. Tình trạng quá tải do lượng hành khách đi lại chơi lễ đông cũng xảy ra tại Bến phà Cát Lái (phía quận 2, TPHCM). Tại đây, bắt đầu từ 8 giờ sáng hôm qua, hàng ngàn phương tiện đã xếp hàng “rồng rắn” kéo dài ngoài đường cả cây số để chờ qua phà. Ban Quản lý bến phà đã cử nhân viên trực tiếp ra đường bán vé cho khách. Đại diện Bến xe miền Đông cho biết, khách qua bến xe năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Từ hôm qua, khách bắt đầu quay về lại thành phố, bến xe đã đón trên 40.000 lượt người trong ngày 12-4. Bến cũng huy động gần 2.000 ô tô và 75 xe buýt chở khách mỗi ngày. Chiều tối 12-4, Bến xe miền Tây không bị kẹt xe dù Bến xe miền Tây đón khoảng 1.500 đầu xe mỗi ngày. |
Nhóm Phóng viên
>> Hôm nay, 12-4: Đền Hùng vào hội