Ngày 24-5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại Stresa, miền Bắc Italy.
Theo Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, hầu hết các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25-5. Dự kiến, tại hội nghị, các bên sẽ tập trung thảo luận các xu hướng kinh tế toàn cầu, hỗ trợ tài chính cho Ukraine và phát triển đa phương lĩnh vực ngân hàng.
Truyền thông địa phương đưa tin Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti và người đồng cấp Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp kín vào chiều cùng ngày trước khi khai mạc hội nghị vào buổi tối.
Italy cho biết tham dự hội nghị còn có Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni và Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro (Eurogroup)- ông Paschal Donohoe, cùng những người đứng đầu các tổ chức toàn cầu và bộ trưởng các nước không phải là thành viên G7 được mời tham gia vì liên quan đến những vấn đề được thảo luận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cùng ngày đã kêu gọi các bộ trưởng G7 nhóm họp tại Italy xem xét "những lựa chọn tham vọng hơn" để sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga cho việc hỗ trợ Ukraine. Trước đó, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết số tài sản đó đang được nắm giữ ở EU.
Theo kế hoạch của EU, lợi nhuận hằng năm của các tài sản này dự kiến từ 2,5-3 tỷ EUR và 90% lợi nhuận thu được từ tài sản này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân sự cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.
Theo bà Yellen, hội nghị dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề mà Washington coi là “dư thừa năng lực sản xuất” ở Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Yellen đánh giá năng lực sản xuất của Trung Quốc trong các ngành như xe điện, pin và tấm pin mặt trời "vượt quá xa nhu cầu trên toàn cầu". Washington cho rằng điều này dẫn đến xuất khẩu giá rẻ và kìm hãm tăng trưởng ở những nơi khác, đe dọa các công ty trên toàn thế giới, trong đó có cả các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 22-5 tuyên bố câu chuyện “dư thừa năng lực sản xuất” mà Washington hướng vào lĩnh năng lượng mới của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với thực tế và quy luật kinh tế.