
Một nữ sinh ở Hà Nội đã phải tìm đến cái chết chỉ vì bị bạn học ghép ảnh trêu trọc trên facebook. Một nữ sinh khác ở Đà Nẵng cũng uống thuốc tự tử suýt chết vì bị nhục mạ, xúc phạm trên trang facebook. Thị trường chứng khoán chao đảo chỉ vì tin đồn chủ tịch ngân hàng BIDV bị bắt được tung lên các diễn đàn mạng. Ngày càng xuất hiện quá nhiều những hậu quả tai hại, khó lường như thế khiến không thể không đặt câu hỏi: Đâu là giới hạn của truyền thông mạng?

Minh họa: A.Dũng
Trò đùa và cái chết
Với tốc độ truyền tải vũ bão, internet nói chung và các diễn đàn mạng cũng như các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng tạo ra sự tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống. Với tính chất “ảo”, những thông tin được đưa lên mạng, nhất là trang mạng xã hội có đông người dùng nhất hiện nay là facebook, nhiều khi không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại, có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống.
Do môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa. Không ít kẻ lợi dụng các trang mạng để bôi nhọ, xúc phạm người khác. Những sự việc đau lòng xảy ra liên tiếp gần đây là minh chứng rõ nét. Đó là cái chết của em Nguyễn Thị Chầm Linh (18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội). Rạng sáng 27-6, Linh đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và lý do của cái chết oan uổng trên là vì một trò đùa trên facebook: một số bạn nam trong lớp đã chụp ảnh, ghép chân dung Linh với bức ảnh một cô gái mặc áo hở cổ. Linh đã yêu cầu người đăng ảnh lên facebook gỡ xuống, tuy nhiên nam sinh này không gỡ mà còn thách thức, dẫn đến hành động dại dột của Linh. Hay mới nhất là trường hợp một nữ sinh ở Đà Nẵng.
Theo đơn tố cáo gửi đến công an, bà Nguyễn Thị Ch. cho biết, con gái bà là Phan U.N. (học sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) đã uống thuốc an thần tự mua “quyên sinh” sau khi bị trang facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đăng bài xuyên tạc, xúc phạm danh dự.
Những trò đùa, vô tình hoặc ác ý, bằng cách ghép ảnh hay tung tin sai lệch nói xấu nhau trên mạng ngày càng được tận dụng triệt để, nhất là trong giới trẻ. Chỉ cần chút ít kỹ năng photoshop, bất kỳ bức ảnh nào cũng có thể trở thành phản chủ nếu rơi vào tay những kẻ có ý đồ không tốt, từ hài hước cho đến các kiểu chế nhạo phản cảm khi lồng ghép vào các bức ảnh khiêu dâm. Truy cập địa chỉ facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” có thể thấy, hầu hết các bài viết trên trang này đều có nội dung thóa mạ, lời lẽ tục tĩu nhằm vào một nhân vật nhất định để thu hút lượng “like”, bình luận. Vấn đề đáng nói là, “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” không phải là trường hợp cá biệt.

Facebook có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống cộng đồng. Ảnh: T.H.
Trồng lúa thì phải diệt cỏ
Có thể nói, những thông tin bôi nhọ danh dự cá nhân người khác trên facebook, blog, diễn đàn mạng hiện vẫn chưa được xử lý đúng mức, nếu không nói là vẫn còn là khoảng trống pháp lý đáng lo ngại. Điển hình như vụ nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị một đại biểu khác dùng blog cá nhân công kích nhưng cuối cùng vụ việc chỉ dừng lại ở mức… xin lỗi rồi thôi.
Điều đáng nói, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, những phát ngôn bừa bãi, những thông tin chưa chính xác, sai sự thật có thể lan truyền một cách chóng mặt và rất khó lường trước được hậu quả. Gần đây nhất là trường hợp tin chủ tịch ngân hàng BIDV bị bắt lan truyền trên mạng. Tin thất thiệt trên lan truyền với tốc độ chóng mặt đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ mà theo tính toán thì 29.000 tỷ đồng đã “bốc hơi” chỉ một phiên giao dịch vì tin đồn trên. Mới đây, cơ quan điều tra đã xác định 3 nghi phạm tung tin đồn trên nhưng mọi việc chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.
Chúng ta không thể cưỡng lại hay nằm bên lề trong tiến trình phát triển của công nghệ nhưng sử dụng công nghệ một cách thông minh và có trách nhiệm là điều cần thiết hướng tới. Điều đó phải bắt đầu từ xây dựng ý thức và cả xây dựng hệ thống luật pháp hữu hiệu để điều chỉnh. Cần có những chế tài đủ mạnh liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng. Dẫu biết rằng, viết blog, lập trang mạng facebook để bình luận hay bày tỏ ý kiến của mình là quyền của mỗi người nhưng những bài viết, quan điểm cá nhân hay những bình luận đó phải thể hiện tính xây dựng, phù hợp thuần phong mỹ tục chứ không thể vì lạm dụng internet để đưa những thông tin sai sự thực, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Việc có chế tài đủ mạnh sẽ là hành lang pháp lý để đảm bảo cho việc mọi người có trách nhiệm hơn đối với lời nói, bài viết của mình. Đó cũng như việc chúng ta trồng lúa thì phải diệt cỏ, bắt sâu. Vấn đề còn lại là tạo ra một loại thuốc đủ mạnh và hiệu quả.
KHẮC THI