Giỏi nghề để làm việc tốt

Các hội thi tay nghề không chỉ giúp người lao động phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp có được những thợ giỏi và những sản phẩm, dịch vụ tốt.
Giỏi nghề để làm việc tốt

Các hội thi tay nghề không chỉ giúp người lao động phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp có được những thợ giỏi và những sản phẩm, dịch vụ tốt.

Cung cấp nhiều kỹ năng thực tế

“Phát hiện ở cổng công ty hoặc đơn vị có một chiếc giỏ xách lạ, anh/chị phải làm sao?”- Đó là một tình huống khó được nêu lên trong phần thi xử lý tình huống tại hội thi “Người bảo vệ chuyên nghiệp” do LĐLĐ quận 1 phối hợp cùng Công an quận 1 và Trung tâm Thể dục thể thao quận tổ chức trong “Tháng công nhân” nhằm nâng cao tay nghề, nghiệp vụ cho công nhân viên chức, người lao động.

Anh Hoàng Văn Đạt, bảo vệ chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM), người  được chọn giải quyết tình huống này cho biết, đây là thực tế anh đã từng gặp trong ca trực của mình. Anh Đạt kể, khi phát hiện một chiếc vali được khóa cẩn thận xuất hiện ở chợ Bến Thành, anh đã báo ngay cho công an phường. Khi công an phường đến, nghi ngờ có bom nên báo lên công an quận. Một đội quân tinh nhuệ được cử xuống, phong tỏa hiện trường và rà soát nhưng không phát hiện có chất nổ. Nghi ngờ có chất độc hóa học, đội phải trang bị bảo hộ lao động bằng mặt nạ rồi mới mở vali. Khi mở ra mới biết đây là một chiếc vali trống, khi khách mua va li mới đã chuyển đồ qua rồi bỏ vali cũ lại. “Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì mọi người bình an”, anh Đạt kể. Cách xử lý của anh Đạt được hội đồng chấm thi khen nhanh nhạy và đúng trình tự ứng phó với vật lạ.

Tham gia hội thi, anh Lê Trung Kiên, Công ty Bảo vệ Thăng Long (quận 1, TPHCM) bắt trúng tình huống “Khi phát hiện một người đang trèo tường vào doanh nghiệp, anh/chị giải quyết ra sao?”. Đang là đội trưởng đội bảo vệ nên anh Kiên đã giải quyết tình huống này rất nhanh chóng là tiếp tục theo dõi đối tượng và dùng bộ đàm báo cho đồng nghiệp để hỗ trợ. Nếu phát hiện đối tượng trộm cắp thì bắt giữ và báo ngay công an phường, còn nếu chỉ là đứa bé trèo tường vào để lấy quả bóng rơi thì đến nhắc nhở và đưa bé ra bằng cổng chính. Cách xử lý khéo léo của anh Kiên đã lấy trọn điểm của ban giám khảo. “Qua cuộc thi, tôi bắt gặp nhiều tình huống quen thuộc, thường gặp trong công việc nhưng đôi khi chưa hiểu hết nên xử lý sai hoặc chưa khéo. Qua hội thi, tôi được cập nhật nhiều kiến thức pháp luật cũng như cách giải quyết các tình huống hợp tình, hợp lý”, anh Kiên cho hay.

Thí sinh trong phần thi xử lý tình huống tại hội thi “Người bảo vệ chuyên nghiệp” do LĐLĐ quận 1 tổ chức.

Hữu ích cho người lao động, lợi cho doanh nghiệp

Các hội thi tay nghề do các cấp công đoàn tổ chức đã tạo điều kiện cho người lao động nâng cao nghiệp vụ, tay nghề, nắm bắt nhiều kiến thức mới. Tại hội thi lái xe ô tô giỏi do LĐLĐ quận Tân Bình (TPHCM) tổ chức mới đây, các thí sinh thi lý thuyết và thực hành lái xe. Anh Lê Ngọc Duy, Công ty TNHH Minh Mẫn (quận Tân Bình), lái xe giao hàng cho công ty hơn 8 năm, cho biết: “Các tài xế chuyên nghiệp có đặc điểm là thực hành giỏi nhưng ít có cơ hội cập nhật kiến thức mới. Hội thi là cơ hội để tôi củng cố kiến thức, bổ sung các quy định mới để nâng cao nghề nghiệp của mình”.

Hàng năm, công đoàn Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn đều phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng tay nghề, thi nâng bậc cho công nhân ngành in. Khoảng 300 công nhân đã theo học 23 ngành nghề mỗi năm. Học viên được học lý thuyết và thi thực hành tại nơi làm việc theo đúng ngành nghề đăng ký. Cuối khóa, học viên đạt kết quả được cấp giấy chứng chỉ nghề do Trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội công nhận. Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết: “Công nghệ in thay đổi liên tục nên công nhân cần phải cập nhật kiến thức. Căn cứ kết quả xếp loại, công nhân sẽ được nâng bậc, nâng lương đúng bậc thợ, khả năng. Hơn nữa, khi công nhân đến doanh nghiệp khác làm việc vẫn được trả lương đúng bậc thợ. Điều này rất có lợi cho người lao động”.

Ông Âu Hoàng Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần In số 7 (thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn), nhận xét: “Mỗi năm, Công ty cổ phần In số 7 đều chọn khoảng 20 công nhân để tham gia khóa học nâng bậc thợ ngành in. Đây là khóa học vô cùng thiết thực, giúp công nhân nâng cao cả kiến thức lẫn thực hành. Qua các khóa học này, nhiều công nhân đã trưởng thành, khẳng định được mình, trở thành những nhân tố tích cực của doanh nghiệp. Như anh Trần Võ Công Nhựt, thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi nâng bậc thợ năm 2013 vừa được ban giám đốc đề bạt lên vị trí Phó quản đốc của công ty”.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục