Giới trẻ chuộng co-living

Bất chấp sự sụp đổ của WeWork, biểu tượng từng thành công với mô hình chia sẻ không gian làm việc chung (co-work) vốn hấp dẫn những người trẻ đang khởi nghiệp, các nhà đầu tư châu Á vẫn tiếp tục đổ vốn liếng vào các công ty co-work và mạnh dạn hơn là các công ty tạo không gian sống chung (co-living) ở các nước đang phát triển.

Sau châu Âu, thế hệ trẻ châu Á có xu hướng lựa chọn sống trong mô hình co-living. Đây là mô hình sống hiện đại với không gian chung được chia sẻ bởi những bạn trẻ có cùng sở thích. Tất cả co-living đều có sẵn các dịch vụ tiện ích cần thiết và được phân chia rất rõ ràng, tất cả hóa đơn hay chi phí phát sinh đều được chia sẻ với nhau rất sòng phẳng.

Đây không chỉ là một giải pháp để thế hệ trẻ có thể sở hữu không gian riêng cùng các tiện ích, nội thất chung, mà còn là nơi kết nối con người với nhau. Trong khi việc cùng thuê nhà giữa các sinh viên và giới trẻ rất thịnh hành ở nhiều quốc gia, thì sự chuyên nghiệp trong quản lý tạo ra sự khác biệt của co-living. Xu hướng này bắt đầu thịnh hành tại các thành phố lớn của châu Âu như Đức, Pháp, Mỹ... vài năm trước đây. Đã có nhiều nghi ngại nhận định rằng, xu hướng phát triển co-living đang bị chựng lại tại các nước đang phát triển ở châu Á sau bài học từ sự sụp đổ của Wework, từ gã khổng lồ 47 tỷ USD đến bờ vực phá sản trong vỏn vẹn 6 tuần, chỉ còn dưới 6 tỷ USD. 

Tuy nhiên, thực tế dòng tiền đầu tư vẫn đổ ào ạt vào các công ty bất động sản phát triển sản phẩm co-living. Sequoia Capital, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới chuyên tài trợ các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ và Đông Nam Á, mới đây đã rót vốn khẳm cho Rukita, một công ty co-living của Indonesia có trụ sở ở Jakarta. Rukita là công ty đầu tiên được rót vốn trong chương trình Surge của Sequoia. Trong khi đó, Warburg Pincus LLC, quỹ đại gia của Mỹ, cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào 3 liên doanh ở Trung Quốc và 1 ở Hồng Công, cùng với các đối tác như General Atlantic, Singapore V GIC và Tencent. Tập đoàn bất động sản Lippo của Indonesia đã đầu tư vào công ty co-living Cove tại Singapore.

Trong xu thế giới trẻ tại các nước đang phát triển đang có xu hướng độc lập hơn trong lối sống, cũng như quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống, thì các startup khó có thể đứng ngoài xu hướng này. Theo quỹ đầu tư Warburg Pincus, hơn 2/3 thế hệ ở châu Á sống với cha mẹ, chỉ có 11% trong số họ sở hữu nhà riêng - ít hơn mức trung bình toàn cầu là 15% vì nhà ở bình dân luôn là vấn đề. Nhiều người sống xa trung tâm thành phố và phải đối mặt với việc đi lại lâu dài ở các thành phố như Jakarta, nơi cơ sở hạ tầng giao thông được đánh giá rất tệ.

Theo Financial Times, nhu cầu co-living của thế hệ trẻ ở các nước đang phát triển hiện nay được đánh giá là mạnh hơn so với không gian làm việc chung (co-work). Ông Sachin Doshi, nhà sáng lập Wea Co-Living tại Hongkong, vừa nhận được 181 triệu USD từ quỹ Warburg Pincus nhận định: “Nếu người trẻ hiểu được ranh giới giữa quyền riêng tư và sự chia sẻ, họ sẽ có một lối sống độc lập và linh hoạt về tài chính”.

Tin cùng chuyên mục