Tôi còn nhớ khi mình còn là học sinh đội tuyển sử trường Lê Hồng Phong, cho đến khi là sinh viên Đại học Luật và đến giờ là cán bộ phụ trách công tác tư tưởng văn hóa của Quận Đoàn, những nội dung, ý nghĩa và khẩu hiệu tuyên truyền những ngày kỷ niệm trong tháng, tôi thường đọc, tìm hiểu và thuộc nằm lòng, đơn giản vì nó gắn liền với việc học tập trước đây và công tác hiện tại của bản thân.
Những người bạn của mình, tôi cũng biết họ có quan tâm, họ nhớ, nhưng mà để rõ thì chưa. Nhìn những đứa em học cấp 3 của mình, tôi thấy đôi lúc chúng thờ ơ. Không phải vì thế hệ trẻ không tự hào. Những bạn đảng viên trẻ, cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên chúng tôi hiểu và biết mình phải nhớ những điều đó, phải biết sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ ông cha bằng cách ra sức học tập, lao động và có một việc làm chân chính.
Nhưng, chúng tôi thiếu kỹ năng để có thể tự mình cảm nhận lịch sử bằng lòng tự hào của một người Việt Nam; chúng tôi thiếu kỹ năng để biết so sánh, biết phân tích, biết đối chiếu, biết bình luận và biết lựa chọn những góc nhìn, những quan điểm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau – mà chính ở đó, lịch sử mới là điều thú vị.
Lịch sử không chỉ là một môn học. Lịch sử chính là sợi chỉ đỏ nối kết thời đại này và thời đại khác, thế hệ này và thế hệ khác, sự kiện này và sự kiện khác. Không có hôm qua thì cũng không có hôm nay, và càng không có mai sau.
Sợi chỉ đỏ đó sẽ hun đúc nên lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và nếu nói theo ngôn ngữ của “toàn cầu hóa” thì lịch sử chính là mấu nối quan trọng, góp phần hình thành một nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu của một quốc gia.
Hãy để những bài học lịch sử đến với thế hệ trẻ một cách “tự nhiên”, không gò bó. Hãy để bài học lịch sử đến với giới trẻ bằng những hình ảnh trực quan sinh động, bằng việc trao cho sinh viên, học sinh quyền tự chủ lựa chọn sự kiện và thiết kế những gameshow lịch sử cho bạn bè cùng lớp; bằng những giờ lên lớp mà ở đó học sinh, sinh viên làm việc nhóm để trao đổi, để tranh luận; bằng những buổi thực tế đến với các địa danh lịch sử mà ở đó các bạn đóng vai là người hướng dẫn viên; giáo viên đừng băn khoăn do dự trước những góc nhìn, những quan điểm khác nhau về một vấn đề, một sự kiện lịch sử mà sinh viên, học sinh đặt vấn đề và trao đổi trước lớp.
Hãy vui vì họ biết khơi mở sự hiểu biết của mình trong thế giới của www, hãy vui vì họ đã có những kỹ năng khai thác và tìm cho mình một góc nhìn “rất riêng” về lịch sử.
Mỗi một dân tộc đều có một niềm tự hào. Lịch sử dân tộc này ít hoặc nhiều đều gắn liền với lịch sử của một dân tộc khác hay nhiều dân tộc khác. Do vậy, hãy nên để niềm tự hào của mỗi dân tộc được dung hòa trong nhiều góc nhìn, hãy để thế hệ trẻ học tập và nghiên cứu lịch sử như một môn khoa học chân chính và đúng mực.
Lâm Anh