Những lần trò chuyện với lãnh đạo LĐLĐ các quận huyện, thỉnh thoảng, chúng tôi có nghe vài câu chuyện buồn: Công ty A có anh chủ tịch công đoàn (CĐ) rất được công nhân (CN) ủng hộ nhưng mới đây lại chủ động xin nghỉ. Lý do nêu trong đơn là “nghỉ vì hoàn cảnh gia đình”. Thế nhưng ai cũng biết nguyên nhân chính khiến anh “buông tay” là vì công ty tìm đủ cách o ép, điều chuyển anh sang làm những việc khó khăn, không phù hợp về giờ giấc, địa điểm. Thậm chí có người còn bắn tiếng: Nếu anh vẫn “chõ mũi” vào chuyện công ty thì sẽ không ký tiếp hợp đồng lao động. Nghĩ đến gia đình, vợ con, cuối cùng, anh chọn con đường… không làm CĐ nữa.
Hệ thống tổ chức CĐ từ Trung ương tới địa phương có 4 cấp (cấp trung ương; cấp tỉnh, TP; cấp trên cơ sở và cơ sở). Trong đó, hoạt động của cán bộ CĐ cơ sở, đặc biệt là trong những công ty ở khu vực ngoài nhà nước được xem là khó khăn hơn cả. Ngoài áp lực từ phía CNLĐ, họ còn phải chịu áp lực từ CĐ cấp trên và đặc biệt là của chủ doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, chế độ dành cho cán bộ CĐ cơ sở hầu như không thấm vào đâu.
Lấy ví dụ: Sau khi quy định buộc DN trích 1% quỹ lương hỗ trợ hoạt động CĐ, chủ tịch CĐ một công ty TNHH có vốn đầu tư nước ngoài được nhận 200.000 đồng/tháng, phó chủ tịch được 140.000 đồng- số tiền không đủ đổ xăng đi họp, không đủ đi đám cưới CN. Riêng ủy viên Ban chấp hành chỉ được từ 50.000 - 70.000 đồng/tháng. Đó là chuyện ở những DN nghiêm chỉnh chấp hành quy định mới của Nhà nước. Còn lại những DN khác, cán bộ CĐ hoạt động chủ yếu bằng lửa nhiệt tình.
Để giữ được ngọn lửa nhiệt tình của cán bộ CĐ cơ sở trong điều kiện chế độ đãi ngộ về mặt vật chất còn chưa thỏa đáng, thiết nghĩ CĐ cấp trên cần hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho cấp cơ sở về mặt tinh thần. Chẳng hạn như mỗi khi có sai phạm từ phía công ty được cán bộ CĐ cơ sở báo cáo, CĐ cấp trên cần nhanh chóng có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, tránh cho cán bộ CĐ cơ sở phải rơi vào thế đối đầu trực tiếp với chủ DN.
Trường hợp DN có sai phạm lớn, CĐ cấp trên cần kiên trì tác động để các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có biện pháp xử lý. Một mặt, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ cơ sở khi bị chủ DN o ép, sớm đưa Quỹ Hỗ trợ cán bộ CĐ đi vào hoạt động để kịp thời tiếp sức cho cán bộ CĐ cơ sở khi gặp chuyện rủi ro trong quá trình đấu tranh vì quyền lợi CN. Nói cách khác, cần tạo một chỗ dựa, một điểm tựa để cán bộ CĐ cơ sở nuôi dưỡng nhiệt huyết, để họ không cảm thấy đơn độc khi đảm nhiệm trách nhiệm cao cả của mình: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ!
Đoàn Mai