Bình luận

Giữ việc làm - Thách thức lớn của người lao động toàn cầu

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo mới nhất cho biết năm 2009 sẽ có thêm 51 triệu người trên thế giới bị thất nghiệp, bất bình đẳng giữa những người làm công ăn lương ngày càng lớn, cao hơn nhiều so với con số 18 triệu người được đưa ra cách đây 2 năm. Con số cũ được ILO đưa ra dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,2%.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế đang tạo ra một tầng lớp lao động mới, mà ILO gọi là “những người lao động nghèo khổ”. Đây là những người có việc làm nhưng lương tháng không đủ nuôi thân hay cưu mang cả một gia đình. Từ nay đến cuối năm, 45% lao động trên thế giới có thể bị đẩy vào lớp này, chủ yếu là giới làm công ở những nước đang phát triển.

Vì vậy, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia hy vọng nhân hội nghị G20 diễn ra vào tháng 4-2009, các nhà lãnh đạo sẽ đặc biệt chú trọng đến mục tiêu tạo việc làm và các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 1-2009 tại Mỹ có 598.000 người bị mất việc làm, con số cao nhất trong 1 tháng kể từ 35 năm qua. Như vậy, số người mất việc trong 3 tháng qua lên tới 1,8 triệu và số người mất việc kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tháng 12-2007 lên tới 3,6 triệu. Bộ Lao động cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1 tăng lên 7,6%, là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1992.

Tại Canada, số người mất việc trong tháng 1-2009 cũng đạt mức kỷ lục, thậm chí nhiều hơn bất cứ thời điểm kinh tế khó khăn nào trong hơn 3 thập kỷ qua. Cơ quan Thống kê Canada ngày 6-2 cho biết, đã có 129.000 việc làm ở nước này bị cắt giảm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,6%, đạt mức 7,2%. Tính từ tháng 10-2008, nền kinh tế Canada đã mất 213.000 việc làm.

Tập đoàn viễn thông NEC của Nhật Bản cũng ra thông báo giải tán 20.000 chỗ làm trên toàn thế giới trong năm 2009, sau khi thua lỗ gần 2,5 tỷ USD trong tài khóa 2008-2009. Hãng sản xuất hàng điện tử Hitachi cũng phải cho 7.000 nhân viên nghỉ việc thay vì 4.000 nhân viên như dự kiến ban đầu do doanh số giảm nhiều.

Trước tình hình căng thẳng này, nhiều chuyên gia chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để thổi thêm một làn sinh khí vào các con tàu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tránh để cho nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn.

Trong số các ý kiến, đáng chú ý là lập trường của giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008. Ông Krugman thiên về giải pháp dùng các khoản chi tiêu công cộng để tiếp tay với tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư và tiêu thụ nhằm vực dậy nền kinh tế.

Ông Krugman cho rằng: “Trong bối cảnh việc làm bấp bênh, người tiêu dùng ở khắp nơi có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn trước, các doanh nghiệp lùi lại các dự án đầu tư chờ thời cơ thuận lợi hơn. Đó là chưa kể những ai muốn vay tiền để đầu tư thì cũng khó thuyết phục được các ngân hàng. Tất cả yếu tố trên cho thấy nhà nước phải tiếp sức với phía tư nhân và như vậy mới mong tránh khỏi kịch bản đen tối nhất đồng thời giới làm công ăn lương cũng nên làm việc “hết mình” để kinh tế thế giới nhanh chóng trở lại với con đường tăng trưởng và thịnh vượng”.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục