Giúp con vượt qua những cú sốc tâm lý

Vừa qua, dư luận liên tục bất ngờ và bàng hoàng trước thông tin những vụ tấn công từ bạo lực đến tình dục mà nạn nhân là những người còn rất nhỏ tuổi. Dù kẻ thủ ác bị lên án, chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng những đứa trẻ tuổi đời còn rất nhỏ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Lo cho con hạnh phúc luôn là điều quan trọng nhất
Lo cho con hạnh phúc luôn là điều quan trọng nhất

Vết thương khó phai

Vụ người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy tại quận 4, TPHCM vừa qua có một chi tiết đáng chú ý. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, rất nhiều thông tin về kẻ có hành vi sàm sỡ đã được đưa ra, thậm chí thông tin đầy đủ đến mức tạo thành cả một hiệu ứng xã hội. Thế nhưng, tất cả các trang web, mạng xã hội đều truyền nhau một lời yêu cầu, không đưa thông tin về bé gái bị sàm sỡ. Và thực tế, có rất ít thông tin về bé xuất hiện trên mạng, nếu có cũng là mơ hồ và không có sự kiểm chứng. Đây là một sự thay đổi rất lớn, cho thấy sự phát triển về ý thức bảo vệ tâm sinh lý của người bị hại, nhất là khi đó mới chỉ là một đứa bé. Trước đó, trong các sự việc tương đồng, đôi khi người bị hại còn bị thêm cả gánh nặng dư luận khi hình ảnh, thông tin cá nhân được công khai khắp nơi.

Trong một bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc dựa trên một vụ tấn công tình dục trẻ có thật đã tái hiện lại sự khủng hoảng của nạn nhân khi vừa phải chịu cú sốc của vụ tấn công lại thêm áp lực của truyền thông xã hội. Dĩ nhiên, trước áp lực như thế, bi kịch nặng nề nhất xảy ra cũng không phải là điều khó hiểu. Tại Việt Nam, dù đã có sự thay đổi khá lớn trong quan niệm về xử lý các vụ bạo lực thể xác, tình dục trẻ em nhưng chủ yếu mới dừng lại ở giải quyết về mặt pháp luật, còn về mặt tâm lý hầu như ít được nhắc đến.

Câu chuyện của Tr. (sinh năm 2002, Hà Nội) là điển hình của việc nạn nhân phải chịu cú sốc tâm lý vì những hành vi bạo hành. Năm 15 tuổi, bố Tr. đi công tác thường xuyên, mỗi tháng chỉ về nhà 1 - 2 lần và lần nào cũng đều đánh đập hai mẹ con vì đủ mọi lý do.

Trong một lần bố vắng nhà, mẹ bị ốm nằm viện, Tr. đã bị chú ruột xâm hại tình dục. Hoảng sợ, Tr. kể với mẹ. Thay vì bảo vệ con, bà lại quy kết trách nhiệm lên Tr. và bắt Tr. phải giữ im lặng. Lâm vào khủng hoảng, Tr. càng lúc càng chìm sâu vào nỗi sợ, co mình trốn trong vỏ ốc tâm lý tự mình tạo ra để né tránh sự thật. Không ít lần, Tr. đã chuẩn bị cho mình một kết thúc buồn.

Trường hợp Tr. không phải hiếm hoi, theo số liệu thống kê của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì có đến 11% học sinh bị xâm hại ít nhất 1 lần; 31,2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt, 58% phụ nữ từng bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục, trên 63% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng tại nơi công cộng, 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục… Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là có đến 87% số nạn nhân không biết, không sử dụng bất cứ một liệu pháp chữa trị tâm lý nào. Trong khi đó, theo các chuyên gia tâm lý, các sang chấn tâm lý nếu không được điều trị có thể gây hậu quả suốt đời. Một số người bị sang chấn tâm lý đã có hành vi tự làm tổn thương mình, thậm chí tự tử…

Phòng và chữa tổn thương tâm lý

Thực ra, với nhiều phụ huynh, việc chuẩn bị cho con ứng xử với các cú sốc tâm lý và xử lý các hệ quả từ một khủng hoảng tâm lý là một điều còn rất xa lạ. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng dễ bị khủng hoảng tâm lý là do trẻ dễ tổn thương, thiếu khả năng thích ứng với thử thách, trải nghiệm sống chưa nhiều, kỹ năng sống chuẩn bị chưa tốt. Và đối với trẻ em, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý thường nặng nề, nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến một khởi đầu “ảm đạm” cho cuộc đời của đứa trẻ đó. Mặc dù quan trọng như vậy nhưng trong cuộc sống tất bật hàng ngày, nhiều cha mẹ còn thiếu quan tâm trẻ đúng mức, trợ giúp trẻ chưa tích cực, hoặc có khi không nhận ra những biểu hiện của khủng hoảng tâm lý, nên chưa biết cách xử trí và can thiệp thích hợp. Thêm vào đó, việc chuẩn bị cho trẻ kỹ năng phòng ngừa khủng hoảng chưa được đề cập nhiều trong giáo dục từ gia đình và trường học nên ngày càng có nhiều đứa trẻ bị khủng hoảng tâm lý.

Trong khi đó, các chương trình can thiệp hiện nay mới chỉ đang tập trung chủ yếu vào bạo lực thể chất trong khi bạo lực kinh tế, xâm hại tình dục còn đang bị bỏ trống; chưa có mô hình chuẩn dịch vụ cho nạn nhân bạo lực giới... Do không có mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân sau bạo lực, nên nhiều nạn nhân gặp trở ngại trong cuộc sống.

Như trường hợp Tr., sau lần tự tử bất thành, Tr. được sự quan tâm của một tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Các chuyên viên tâm lý đã thực hiện các buổi trò chuyện với Tr., dần dần giúp em mở lòng, chia sẻ nỗi đau. Cũng từ đó, các chuyên viên còn nhận thấy một nạn nhân khác chính là mẹ của Tr., bà cũng là một nạn nhân khủng hoảng tâm lý do sự bạo hành của chồng. Việc bà trách mắng, dồn ép con thực tế cũng là một cách để che giấu sự khủng hoảng của mình. Được sự hỗ trợ, cố vấn về mặt tâm lý, dần dần cả hai đã thoát khỏi ám ảnh quá khứ, lựa chọn con đường mới, giải thoát, vui vẻ hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, để xử trí những trường hợp trẻ bị khủng hoảng tâm lý, cần giúp trẻ tách hẳn khỏi tình huống, vụ việc gây khủng hoảng càng sớm càng tốt; chữa triệu chứng tổn hại cơ thể về mặt thể chất như giảm đau, kháng viêm, chữa trị, chăm sóc vết thương do tai nạn, bỏng, bạo hành, hiếp dâm...; cho trẻ thuốc an thần, gây ngủ trong vài ngày đầu, nâng đỡ về mặt thể chất, bồi dưỡng cho trẻ để giúp trẻ sớm lấy lại sức; dùng biện pháp tâm lý trị liệu thích hợp cho trẻ trong những trường hợp hoảng loạn nhiều, kéo dài trên một tuần, đặc biệt ở những trẻ lớn, vốn có tính hay lo sợ, nhút nhát, những trẻ bị khủng hoảng nặng nề từ một số tình huống đặc biệt như bạo hành, hiếp dâm, tai nạn giao thông, cướp bóc, khủng bố...; tránh la mắng trẻ khi trẻ nghĩ về sự kiện gây khủng hoảng; hạn chế khoét sâu vào nỗi đau của trẻ bằng nhiếc móc, đổ thừa; tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó, nên tôn trọng phản ứng của trẻ; tránh những phản ứng thái quá của người lớn trước mặt trẻ như nổi giận, văng tục, hăm dọa... đối với đối tượng gây hại cho trẻ.

Trong mọi trường hợp, cần cho trẻ sớm tham vấn các bác sĩ tâm lý để tìm hướng điều trị thích hợp nhất. Nhiều trường hợp phụ huynh e ngại đi khám bác sĩ tâm lý vì giống như khám “bệnh điên”, nên chần chừ, né tránh. Thực tế, các tư vấn tâm lý là một trong những phương thức tốt nhất, thậm chí tại nhiều nước là bắt buộc, để giúp các nạn nhân thoát khỏi những cơn ác mộng do sự kiện đau buồn để lại.

Tin cùng chuyên mục