Một cán bộ chuyên làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho biết đã “đứng hình” khi một người dân ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (khu vực được quy hoạch là khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng) hỏi, nếu bị thu hồi đất, họ sẽ được đền bù như thế nào? Một câu hỏi quá khó bởi đất của người này là đất nông nghiệp do cha ông khai hoang từ mấy chục năm trước.
Người này sử dụng ổn định từ đó đến nay, không tranh chấp, không bị ai kiện cáo, bình thường đã có thể làm giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất theo các quy định về đất đai hiện hành. Thậm chí đã có thể chuyển đổi một phần thành đất xây dựng nếu không bị vướng quy hoạch. Đền bù cho họ như thế nào đây? Nếu đền bù theo giá đất nông nghiệp không có giấy tờ đầy đủ… sẽ rất thấp, chắc chắn người dân khó lòng chấp nhận.
Không chỉ TPHCM mà ở nhiều nơi khác, như Lâm Đồng chẳng hạn, đất nông nghiệp của người dân ngay khu vực trung tâm Đà Lạt bị vướng quy hoạch xây dựng khu đô thị mới từ gần 20 năm trước, đến nay bán thì không được giá, làm nông thì không hiệu quả (vì chỉ có hơn 2.000m2) mà xây nhà cũng không được. Trong khi giá đất xung quanh khu vực đó đã lên tới vài chục triệu đồng/m2.
Cách đây không lâu, Báo SGGP tiếp nhận phản ánh của một người dân ở huyện Hóc Môn (TPHCM) có miếng đất nông nghiệp rộng hơn 1.000m2 mà xây chuồng nuôi gà cũng không được. Ngành chức năng bảo chỉ có thể trồng trọt bởi đã quy hoạch nơi đây là đất cây xanh.
Các trường hợp trên đều liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… Vì vướng quy hoạch nên người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất xây dựng. Vì là đất nông nghiệp nên họ không thể xây dựng nhà cửa trên đó. Một vòng lẩn quẩn khiến không ít người dân dù ở đô thị cũng không thể xây nhà và kinh doanh buôn bán trên mảnh đất của chính mình.
Không chỉ có vậy, đến khi chính thức di dời họ lại nhận đền bù theo giá đất nông nghiệp. Có thể nói, mọi bức xúc đều bắt nguồn từ đây. Chưa kể, dù đền bù theo giá đất nông nghiệp nhưng giá đền bù trong các dự án phát triển hạ tầng mà cơ quan nhà nước thực hiện thường thấp hơn giá doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với dân chứ chưa nói đến giá thị trường hiện hữu.
Đất đai, nhà cửa là tài sản lớn của người dân. Trong rất nhiều trường hợp, nó có ý nghĩa quyết định đến mức sống cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của họ. Chính vì thế, chính sách về quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng phải được điều chỉnh theo hướng ít nhất “bảo toàn” được giá trị này cho người dân. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của cơ quan chức năng bởi đó cũng chính là điều mà Đảng và Nhà nước ta luôn theo đuổi từ nhiều năm nay với chủ trương “phải đảm bảo cho người dân di dời có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ”.
Nên chăng, cần thành lập ngay một cơ quan có đầy đủ năng lực, thẩm quyền làm công tác rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến quy hoạch, xây dựng, đất đai, sau đó trình Quốc hội xem xét và điều chỉnh ngay những bất cập bởi công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chung của đất nước cũng như tiềm tàng những bất ổn cho xã hội.